Huyện Cô Tô – Giữ mạch đập văn hóa cho phát triển toàn diện

Năm 2024, huyện Cô Tô xác định việc xây dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, sức mạnh con người Cô Tô là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn huyện, coi đây là một trong các nguồn lực phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển bền vững.

Những di sản văn hóa tiêu biểu

Tháng 4/2022, cột cờ chủ quyền Tổ quốc được khánh thành, lá cờ Tổ quốc linh thiêng được dùng trong Lễ thượng cờ đầu tiên trên đảo là lá cờ được các chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng trao tặng cho quân và dân Cô Tô trong một nghi lễ đặc biệt thiêng liêng, trang trọng trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 19/4/2022. Công trình “Cột cờ chủ quyền trên đảo Cô Tô” có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Tháng 5/2022, Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Nơi đây gắn liền với sự kiện Bác Hồ ra thăm đảo và là nơi duy nhất trên cả nước được Bác cho phép dựng tượng Người lúc sinh thời. Trải qua hàng thập kỷ, Khu di tích thiêng liêng là nơi để giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc trong các tầng lớp nhân dân, cán bộ, chiến sĩ trong cả nước.

Lễ dâng hương báo công với Bác nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập huyện Cô Tô (23/3/1994 – 23/3/2024)

Theo số liệu thống kê từ năm 2015 đến năm 2023, có gần 400 sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội, thể thao và du lịch được tổ chức tại khuôn viên Khu di tích. Đặc biệt, nơi đây diễn ra các sự kiện trọng đại của huyện như: Lễ Khởi công và Khánh thành Dự án Điện lưới ra đảo Cô Tô, đón Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, khánh thành cột cờ Tổ quốc trên đảo Cô Tô, triển lãm ảnh về thiên nhiên và văn hóa, con người Cô Tô, triển lãm sưu tập chữ ký và bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô…. Đây là nơi diễn ra lễ Thượng cờ thiêng liêng và là “địa chỉ đỏ” được các cơ quan, đơn vị  trong và ngoài tỉnh chọn làm nơi báo công dâng Bác và trao Quyết định kết nạp những quần chúng ưu tú vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Là “cột mốc văn hóa” trường tồn, khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia ở nơi địa đầu Tổ quốc, đồng thời là dấu ấn lịch sử và cũng là nét đặc trưng trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người Việt. Chùa Trúc Lâm Cô Tô và Chùa Trúc Lâm đảo Trần được xây dựng là những công trình văn hoá, tôn giáo có ý nghĩa quan trọng trong việc thể hiện sự độc lập của nền văn hóa dân tộc Việt Nam, tính chủ quyền lãnh thổ của đất nước Việt Nam.

Năm 2024, sự kiện Lễ hội Mở cửa biển xã Thanh Lân được phục dựng tạo nên một không gian văn hóa, là dịp để giới thiệu, quảng bá hình ảnh về mảnh đất và con người Thanh Lân nói riêng và huyện Cô Tô nói chung nhằm thúc đẩy hoạt động du lịch cộng đồng phát triển. Lễ hội giữ gìn văn hóa phi vật thể đặc sắc cũng như nghi thức mang đậm tín ngưỡng dân gian của ngư dân vùng biển đảo, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tạo động lực khí thế cho một năm mới hăng say lao động sản xuất.

Những di sản văn hóa không những là nền tảng tinh thần, nơi sinh hoạt mang ý nghĩa tâm linh, mà còn là biểu tượng, là tài nguyên văn hóa làm động lực, nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện.

Đề cao giá trị con người

“Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh” là chủ đề công tác năm trong Nghị quyết số 28-NQ/HU, ngày 15/12/2023 của Huyện ủy Cô Tô về phương hướng nhiệm vụ năm 2024, theo đó, UBND huyện Cô Tô đã xây dựng Kế hoạch chuyên đề thực hiện chủ đề công tác năm 2024 với chủ đề “Phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh” trên địa bàn huyện. Nhiệm vụ đặt ra là phát triển con người Cô Tô toàn diện, thực sự là trung tâm, chủ thể, nguồn lực, động lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển thì cần phải đòi hỏi sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Cô Tô. Bên cạnh đó, phải quan tâm đến việc xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy niềm tự hào, niềm tin, ý chí tự lực, tự cường, tài năng, trí tuệ, phẩm giá con người Cô Tô đoàn kết, sáng tạo, hào sảng.

Bởi vậy, trong những giải pháp cụ thể mà huyện Cô Tô phấn đấu thực hiện trong năm 2024 yêu cầu phải nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cả về thể chất và tinh thần của người dân. Tạo điều kiện để người dân có điều kiện tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên và tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, nâng cao thể chất, cải thiện tầm vóc, thể trạng của người dân.

Các em học sinh được giáo dục nâng cao ý thức bảo vệ môi trường từ trong nhà trường

Để phát triển toàn diện con người, mọi hoạt động của hệ thống giáo dục phải cần được tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nhất là giáo dục phổ thông và giáo dục đại học; triển khai thực hiện sâu rộng phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời”; tạo điều kiện để người dân học tập suốt đời trên nền tảng số.

Cùng với đó, huyện cũng quan tâm dành nguồn lực để đầu tư và khai thác hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, xây dựng và phát triển nền văn học, nghệ thuật…Tập trung phát triển công nghiệp văn hóa, dịch vụ văn hóa trở thành một mũi đột phá chiến lược thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu Cô Tô, lựa chọn đại sứ thương hiệu văn hóa Cô Tô để quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế văn hóa và con người Cô Tô.

Văn hóa – động lực phát triển

Quan điểm “Đầu tư cho văn hóa, con người là đầu tư cho phát triển bền vững” được huyện Cô Tô xác định trong chủ đề công tác năm 2024. Trong đó, huyện Cô Tô ưu tiên đẩy mạnh phát triển du lịch, khai thác có hiệu quả các lợi thế về địa lý, các tiềm năng du lịch về tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa, biến tiềm năng văn hóa thành những sản phẩm, tạo động lực cho phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống của các tầng lớp nhân dân.

Một số kết quả được ghi nhận trong nhận thức của hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân từ tỉnh đến cơ sở về vai trò, nhiệm vụ xây dựng, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Cô Tô được đầy đủ và toàn diện hơn. Nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy được đổi mới; hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về văn hóa được nâng cao. Công tác xây dựng môi trường văn hóa được triển khai qua phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai quyết liệt và đồng bộ, thực sự lan tỏa đi vào đời sống của nhân dân. Công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được quan tâm triển khai thực hiện, văn hóa của các vùng miền từng bước được khôi phục, bảo tồn và phát triển, thể hiện qua hơn 7 di tích chính và nhiều danh lam thắng cảnh được nhận diện, lưu giữ, tu bổ, tôn tạo, phục dựng và phát huy tương đối hiệu quả. Việc giáo dục truyền thống văn hóa địa phương trong trường học được triển khai tương đối đồng bộ, đạt được những kết quả đáng khích lệ. Các hoạt động sáng tác, biểu diễn, quảng bá văn học, nghệ thuật được quan tâm, tạo điều kiện phát triển thông qua các cơ chế, chính sách cụ thể. Việc xây dựng văn hóa trong Đảng và trong hệ thống chính trị; văn hóa trong kinh tế; xây dựng văn hóa số được chú trọng, tăng cường.

Trong định hướng phát triển của tỉnh đến năm 2030, huyện Cô Tô được định hướng là khu vực huyện đảo tiền tiêu có kinh tế phát triển, xây dựng đồng bộ; là khu vực có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng – an ninh; là khu du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao gắn với văn hoá lịch sử và thắng cảnh thiên nhiên… Với quan điểm xuyên suốt, đầu tư cho văn hóa, con người là đầu tư cho phát triển bền vững, huyện chú trọng xây dựng, phát huy các giá trị văn hóa, sức mạnh con người Cô Tô là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn huyện, được đặt trong mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với các nhiệm vụ về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, hợp tác và hội nhập quốc tế. Đồng thời, kiên trì chuyển đổi phương thức phát triển xanh, bền vững dựa vào ba trụ cột: Thiên nhiên, con người và văn hóa, trên cơ sở đó lựa chọn sản phẩm văn hóa chủ lực có trọng tâm, trọng điểm mà địa phương có tiềm năng, lợi thế nhằm tạo đột phá trong đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, dịch vụ.

Với những quyết tâm chính trị và những tiềm năng về văn hóa sẵn có, hy vọng rằng huyện sẽ tiếp tục đón nhận những cơ hội, vượt qua khó khăn, thách thức để phát triển toàn diện văn hóa, con người Cô Tô, qua đó, những đóng góp to lớn của nguồn lực văn hoá và con người sẽ là động lực quan trọng trong xây dựng và phát triển kinh tế  – xã hội, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Hoàng Phương (Trung tâm TTVH)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cô Tô viết tiếp trang sử trên sóng nước

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Cô Tô là một trong những địa bàn chiến lược quan trọng nằm ở vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc. Với vị trí án ngữ tuyến hàng hải và vùng

Cô Tô – Nơi sóng gọi mặt trời

Vào 20h ngày 26.4, chương trình khai mạc Du lịch biển đảo Cô Tô năm 2025 với chủ đề “Cô Tô – Nơi sóng gọi mặt trời” đã chính thức diễn ra. Chương trình diễn ra tại sân khấu ngoài

Khai mạc Du lịch biển đảo Cô Tô

 Tối 26/4, tại huyện Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) diễn ra Lễ khai mạc Du lịch biển đảo Cô Tô năm 2025 với chủ đề: “Cô Tô – Nơi sóng gọi mặt trời”, với nhiều dịch vụ vui chơi, khám