Cô Tô con, hòn đảo thơ mộng giữa trùng khơi
Đảo Cô Tô con có diện tích khoảng 300 ha, trong đó có khoảng 200 ha thuộc quyền quản lý của quân đội. Trên đảo vẫn giữ nhiều nét hoang sơ và chưa có những công trình hiện đại hay nhà cao tầng, nhưng lại được nhiều du khách thấy thích thú. Trên đảo có 2 bãi tắm đẹp là bãi Ngọc Trai và bãi Đầu Rồng. Phía xa xa là hòn sư tử nom giống như con sư tử đang nằm phủ phục, một đảo đá khác từ trên cao nhìn xuống nom giống hình con cá chép đang bơi nên gọi là hòn Cá Chép.
Nhiều du khách lại coi đến Cô Tô con là hành trình chính khi đến Cô Tô, vì mê mẩn với cái đẹp hoang sơ, quyến rũ của hòn đảo này. Trên đảo có nhà nghỉ thiết kế theo kiểu Bungalow nhưng không nhiều, để chắc chắn bạn phải đặt trước phòng. Nếu không du khách đặt một chỗ nghỉ trên đảo lớn, rồi đi xe điện của nhà nghỉ hay khách sạn đến đây.
Cô Tô con là hòn đảo riêng biệt, đi xe điện khoảng 15 phút từ trung tâm thị trấn Cô Tô đến bờ biển thuộc xã Đồng Tiến, rồi đi tiếp khoảng 15 phút nữa bằng ca nô hoặc tàu nhỏ mới đến được đảo. Hành trình trên chiếc tàu nhỏ ra đảo Cô Tô con cũng là thú vị riêng của nhiều du khách. Khi ấy bên ta là biển trời mênh mông tiếng sóng vỗ nhẹ nhẹ, dần dần trước mắt ta hiện ra đảo Cô Tô con với bãi cát giống như dải lụa ôm lấy một vùng hoang sơ đá và cây. Đến Cô Tô con, ta được tạm quên đi những ồn ào của phố xá, hòa mình trong không gian biển khơi và những khu rừng nguyên sinh trên đảo.
Chàng Rô Bin Sơn trên đảo và những ý tưởng du lịch
Có lẽ, người gắn bó lâu năm nhất với Cô Tô con tính đến nay là anh Lê Quý Lộc, bởi anh đã từng có 21 năm gắn bó với đảo. Từ khi du lịch chưa phát triển ở Cô Tô thì chỉ mình anh Lộc ngày, đêm trên đảo, hưởng thụ một mình những thú vui của biển, trời, cá, nước mà không chia sẻ được cùng ai. Khi ấy, anh Lộc là bộ đội biên phòng, được phân công một mình giữ đảo. Có người gọi anh là “Rô Bin Sơn” trên đảo, vì thời gian sống một mình trên hòn đảo biệt lập của anh Lộc hơn chục năm. Nay anh Lộc đã giải ngũ, làm du lịch với Công ty CP Địa ốc Phú Thái, có trụ sở tại TP Hà Nội nhưng kinh doanh trên đảo Cô Tô con. Vậy là anh Lộc tiếp tục bám đảo. Bây giờ thì anh rất bận rộn vì hàng ngày có rất nhiều du khách đến đảo.
Trước đây sống một mình trên đảo, để đỡ rảnh chân rảnh tay, anh Lộc mua vài chục con dê và lợn rừng con về nuôi trên đảo cho đỡ buồn. Do công việc phục vụ quân đội là chính, thỉnh thoảng phải về đơn vị báo cáo, họp hành, tập huấn hay về thăm nhà, nhiều khi vắng đảo đến mấy hôm không có điều kiện chăm sóc chu đáo lũ gia súc. Vậy là anh Lộc để lũ dê, lợn sống bán hoang dã. Dê thì thích nghi được ngay, vì chúng ăn cỏ, ăn lá cây, còn lợn rừng ban đầu cũng phải cho ăn, nhưng về sau chúng cũng tự vào rừng sống lang thang.
Không ngờ, đảo Cô Tô con lại là nơi sống rất thích hợp với lợn rừng, chúng nhanh chóng trở về với lối sống của tổ tiên. Khi lợn rừng sống trong tự nhiên, chúng thích sống trong những bụi cây lá thấp, gần lân cận khu vực có nước hay đầm lầy rồi đầm bùn kín cả thân mình cho mát và tránh bị côn trùng đốt. Trong khi đảo Cô Tô con chủ yếu là rừng tự nhiên, có nhiều khe nước nhỏ do cây rừng giữ nước tốt, tạo thành những vũng nước có bùn rất thích hợp với lợn rừng. Lợn rừng ăn rất đa dạng, chúng thích ăn đồ ăn tự nhiên như rễ cây, củ, quả, mầm cây, giun đất, côn trùng, rắn, ếch, xác thối... Trong rừng có nhiều rắn, điều kỳ lạ là lợn rừng không sợ rắn, chúng đớp cổ rắn rồi nhai ngon lành.
Vậy là nhiều ngày lũ lợn vào rừng không trở về chuồng nữa, anh Lộc cũng đã nhận thấy điều này từ lâu nhưng vì công việc phục vụ quân đội khá bận, mặt khác anh nghĩ lợn cũng quanh quanh trên đảo chứ chẳng đi đâu, đây lại là đảo của quân đội nên chắc bọn trộm không dám bén mảng. Thậm chí có lúc anh lại còn thấy vui vì không phải cho lợn ăn hàng ngày, trong khi chúng ăn nhiều, mà mỗi lần đi mua cám cho chúng rất mất công và tốn kém.
Rồi một ngày, anh Lộc quyết định đi tìm lũ lợn trở về. Phải mất đến nửa ngày, anh mới thấy chúng đang đằm mình trong vũng bùn, dưới những tán cây rừng thấp. Đàn lợn giờ đã to lớn hơn, thậm chí chúng lại sinh sôi thêm lợn con. Anh Lộc đến gần, đàn lợn bỏ chạy, những con lợn đực đứng lại với tư thế phòng thủ sẵn sàng chống trả khi anh Lộc đến bắt chúng. Anh Lộc chợt hiểu, giờ đây lũ lợn không còn coi anh là chủ nữa, chúng đã hiểu được giá trị tự do mà chúng đang có và chắc chẳng bao giờ muốn trở lại chốn cũ nữa.
Cả những con dê khi thích nghi cuộc sống hoang dã, chúng cũng bỏ anh Lộc mà đi nốt. Bây giờ thỉnh thoảng muốn đãi khách, anh Lộc phải đặt bẫy mới bắt được một, hai con. Khi du lịch phát triển mạnh ở Cô Tô, đảo Cô Tô con trở thành nơi khách du lịch thích tìm đến, vậy là anh Lộc chợt nảy ý tưởng mới cho phát triển du lịch.
Khi xin được giấy phép, anh dự định sẽ mở mô hình săn lợn rừng trên đảo, chắc là sẽ có nhiều du khách thích thú, bởi động vật tự nhiên trên đảo trước đó chỉ có rắn và kỳ đà, còn lợn rừng và dê do mình thả ra, mình lại bắt về có sao đâu (?) Anh Lộc sẽ mua thêm lợn rừng và dê để thả sống hoang dã trên đảo, khi chúng đông đúc, du khách đi dạo trong rừng, họ xem và chụp ảnh cuộc sống hoang dã của lợn rừng trên đảo sẽ có nhiều thích thú.
Nhiều trải nghiệm khác ở Cô Tô con
Trên đảo không có dân cư sinh sống, chỉ có quân đội và doanh nghiệp làm du lịch, nhưng trước đây cũng đã có một số người Hoa đến đây làm ăn. Họ trồng rất nhiều nhãn, nay đã là cây cổ thụ, về mùa hè những vườn nhãn sai trĩu quả. Anh Lộc đưa ra ý tưởng, anh sẽ xin phép mở tuyến du lịch trải nghiệm vườn cây trên đảo, sau đó trồng thêm một số loại cây ra quả, thu hoạch vào mùa hè như nhãn, vải, mít, xoài để du khách trải nghiệm.
Nhiều du khách khi đến Cô Tô rất thích đi câu cá trên vùng biển quanh khu vực đảo. Đảo Cô Tô con kín gió vì được nhiều đảo vây xung quanh. Gần đảo Cô Tô con có các đảo Cá Chép, đảo Sư Tử, dưới lòng biển là các rừng san hô, là nơi trú ngụ và sinh sống của nhiều loài cá. Du khách muốn câu cá chỉ cần thuê một chiếc tàu nhỏ, ngư dân đưa du khách đi trải nghiệm là những người dày dạn kinh nghiệm, họ biết được nơi nào có cá để câu và là loại cá gì để có loại mồi phù hợp. Trải nghiệm câu cá cho du khách thường được tổ chức vào cuối hè, đầu mùa thu, khi đó biển lặng, ít sóng gió. Đây lại là mùa của các loại cá thích săn mồi nên tương đối dễ câu như cá mú, cá dóc, cá dìa, cá giang, cá man... Hầu hết du khách đi câu đều có sản phẩm mang về, vừa ngồi câu cá, vừa được ngắm vẻ đẹp từ xa của đảo Cô Tô con hay hòn Sư Tử, Cá Chép..
Sau buổi câu là những buổi tiệc nhỏ của du khách với các sản phẩm của buổi “vui chơi có thưởng” trên vùng biển Cô Tô con, với món cá nấu chua hay cá nướng hoặc gỏi... Du khách tự chế biến các món ăn của mình hoặc thuê luôn các đầu bếp của đảo chế biến với một khoản phí dịch vụ nhỏ.