Giới thiệu

Cô Tô là một trong 12 huyện đảo du lịch xinh đẹp của Việt Nam, nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, được thành lập ngày 23/3/1994. Cô Tô là quần đảo gồm 71 hòn đảo lớn, nhỏ. Trong đó có 03 đảo có dân cư sinh sống (đảo Cô Tô lớn, đảo Thanh Lân và đảo Trần). Nằm trong Vịnh Bắc Bộ, cách đất liền 60 hải lý, với diện tích tự nhiên là 53,68 km2. Phía Bắc giáp vùng biển đảo Vĩnh Thực thuộc thành phố Móng Cái và đảo Cái Chiên huyện Hải Hà; phía Tây giáp vùng biển Vân Hải thuộc huyện Vân Đồn; phía Nam giáp vùng biển đảo Bạch Long Vĩ thành phố Hải Phòng; phía Đông giáp hải phận Quốc tế, có tổng chiều dài biên giới biển tiếp giáp với Trung Quốc gần 200 km từ ngoài khơi đảo Trần đến ngoài phía Đông đảo Bạch Long Vĩ - Hải Phòng. Là huyện ra đời muộn nhất, có số dân ít nhất, diện tích nhỏ nhất, địa hình phức tạp nhất trong tất cả các huyện của tỉnh Quảng Ninh nhưng lại giữ vị trí hết sức quan trọng. Cô Tô luôn giữ vị trí địa - chính trị quan trọng, các đảo, quần đảo là cơ sở để xác định đường biên giới quốc gia trên biển và xác định vùng chồng lấn với nước láng giềng. Các đảo Chàng Đông, Chàng Tây (đảo Trần), có hiệu lực nhất định trong phân định lãnh hải. Khu vực đảo Trần và quần đảo Cô Tô đã góp phần xác định (từ vị trí số 1 đến số 9, đặc biệt là điểm cực Đông của đảo Bồ Cát) là thuộc về lãnh hải của Việt Nam. Với 21 vị trí được xác định, Việt Nam được hưởng 53,23% diện tích vịnh, rộng hơn Trung Quốc khoảng 8.205km2 biển. Như vậy, sự hiện diện của các đảo Chàng Đông, Chàng Tây (thuộc quần đảo Cô Tô) đã góp phần khẳng định chủ quyền, bảo vệ lợi ích quốc gia.
Cô Tô có tên cổ là Chàng Sơn (Núi Chàng), từ lâu đời đã là nơi cư trú ngụ của thuyền bè ngư dân vùng Đông Bắc. Năm 1832, Nguyễn Công Trứ với cương vị Tổng đốc Hải An (Hải Dương - An Quảng) đã xin triều đình cho thành lập làng xã, cắt cử người cai quản. Làng đầu tiên ở đây được Nguyễn Công Trứ đặt là lý Hướng Hoá thuộc huyện Hoa Phong. Đầu thế kỷ XX, Cô Tô là một tổng có năm xã thuộc châu Hà Cối phủ Hải Đông tỉnh Hải Ninh. Sau ngày Nhật đảo chính, Pháp quay lại chiếm đóng Cô Tô. Từ Cô Tô và cảng Vạn Hoa trên đảo Cái Bầu, tàu chiến Pháp vào quấy rối vùng biển Hòn Gai và cảng Hải Phòng. Tháng 11 năm 1946, Đại đội Ký Con giải phóng quân từ Hòn Gai dùng tàu chiến Le Créyac mới chiếm được của Hải quân Pháp tiến ra giải phóng Cô Tô nhưng không thành công. Cho đến cuối năm 1955, thực hiện Hiệp định Genève, quân Pháp mới rút khỏi. Đầu năm 1954, Cô Tô là xã thuộc huyện Móng Cái, sau đó là hai xã đặc biệt trực thuộc tỉnh. Từ 1964, hai xã đã sáp nhập vào huyện Cẩm Phả.
 
 
Huyện Cô Tô là nơi duy nhất trên cả nước được Bác Hồ cho phép kiến dựng tượng người lúc sinh thời và Khu di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 93-QĐ/TTg, ngày 18/01/2022 của Thủ tướng chính phủ, đã trở thành điểm thiêng của huyện đảo; trở thành một dấu mốc lịch sử khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, đem đến cho cư dân đảo niềm tự hào, niềm tin và quyết tâm bám biển. Trên đảo còn có di tích cấp tỉnh Trận đánh Đồn Cao 13/11/1945 là chứng tích lịch sử của Đại đội Ký Con trong cuộc trận đánh quân Pháp để giải phóng Cô Tô của Đại đội Ký Con. Trận đánh với ý chí tiến công địch, bảo vệ độc lập, chủ quyền của quân và dân khu mỏ cũng là tài sản tinh thần vô giá mà thế hệ cha ông để lại cho nhân dân trên đảo.  Huyện Cô Tô đang chú trọng tôn tạo và thiết lập đa dạng các điểm sinh hoạt tâm linh, văn hóa như khu tưởng niệm, chùa, nhà thờ (Cột cờ Tổ quốc trên đảo Cô Tô tỷ lệ 1:1 với cột cờ Ba Đình; Chùa Trúc Lâm Cô Tô, nhà thờ giáo xứ Cô Tô, Giáo họ Thanh Lân và Chùa Trúc Lâm đảo Trần đang được thi công...)
 
 
Trải qua gần 30 năm xây dựng và phát triển, đến hết năm 2022, toàn huyện có 1.957 hộ dân với 6.778 nhân khẩu với 13 dân tộc: Kinh, Thái, Tày, Mường, Khơ Me, Hoa, Nùng, Dao, Gia Rai, Chăm, Sán Dìu, Hrê, Giáy; nhân dân của trên 14 tỉnh, thành trong cả nước ra xây dựng kinh tế như: Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Bình, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Phú Thọ, Bắc Giang, Hải Dương, Bắc Ninh…. Những năm gần đây, theo chủ trương của huyện, kinh tế đã có bước phát triển mới, cơ cấu kinh tế chuyển sang Du lịch, dịch vụ - Tiểu thủ công nghiệp - Nông nghiệp. Hiện nay huyện có 3 đơn vị hành chính cấp xã bao gồm thị trấn Cô Tô và 2 xã Thanh Lân và Đồng Tiến. Toàn huyện có 13 thôn, khu trong đó: 5 thôn thuộc xã Đồng Tiến, 4 thôn thuộc xã Thanh Lân và 4 khu thuộc thị trấn Cô Tô.
Ngày 16 tháng 10 năm 2013, Cô Tô đã chính thức có điện lưới quốc gia khi hoàn thành dự án đưa điện ra đảo trị giá 1.106 tỷ đồng. Nước ngọt cũng là vấn đề khó khăn lớn của Cô Tô, nhất là từ khi du lịch bắt đầu phát triển. Trong năm 2012, huyện Cô Tô đã quyết tâm rút ngắn thời gian thi công hồ chứa nước Trường Xuân có dung tích chứa 170.000 m3 từ 2 năm xuống 1 năm, hoàn thành vào cuối năm 2012. Cùng với việc nâng cấp, xây dựng mới các hồ chứa nước trên đảo Thanh Lân là Chiến Thắng 2 với dung tích 76.700 m3, hồ Bạch Vân với dung tích 30.700 m3, hồ C4 với dung tích 100.000 m3, 100% khu dân cư ở trên huyện đảo Cô Tô đã có đủ điều kiện để sử dụng nước hợp vệ sinh. Huyện Cô Tô đang tiếp tục xây dựng hồ nước ngọt C22 là hồ nước ngọt lớn nhất trên huyện đảo với dung tích 300.000 m3

Cô Tô còn giữ được vẻ nguyên sơ, thiên tạo của môi trường sinh thái, nước, không khí trong lành, cấu tạo địa chất, địa mạo với các bãi biển tự nhiên (Tình Yêu, Hồng Vàn, Vàn Chảy, Bắc Vàn, Cá Chép, Bảy Sao, Ba Châu, Cô Tô con...) cùng những cánh rừng nguyên sinh thích hợp với du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển và trải nghiệm. Rừng là một thế mạnh của huyện, trước những năm thành lập huyện, rừng bị tàn phá nặng nề, huyện đã chủ trương tập trung chỉ đạo tích cực trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc; đồng thời tuyên truyền giáo dục nhân dân bảo vệ diện tích rừng, không để xảy ra tình trạng chặt phá rừng, cháy rừng. Đến năm 2023, toàn huyện có gần 1.700 ha đất rừng, độ che phủ đạt >60% diện tích toàn huyện.
 
 
Nằm ở vị trí ngoài khơi vịnh Bắc Bộ, các bãi biển trên đảo Cô Tô còn có đặc điểm độc đáo là sườn ngầm khá sâu, hệ sinh thái san hô đa dạng, thích hợp với loại hình thể thao giải trí trên biển. Đặc biệt với tính đa dạng sinh thái, vùng biển Cô Tô - đảo Trần là một trong 16 khu bảo tồn biển của quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Kinh tế biển được đầu tư phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sống của các loại thủy sản đối với sự nghiệp phát triển bền vững ngành thủy sản. Huyện Cô Tô kinh tế luôn duy trì tốc độ phát triển cao, toàn diện, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 1.500 USD năm 2010 lên 4.800 USD/người năm 2022. Dịch vụ, du lịch đang từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của huyện, từ năm 2016 đến năm 2019 đạt trung bình trên 300.000 lượt khách du lịch đến Cô Tô/năm.
Việc giao thông ra đảo cũng đã thuận tiện hơn nhiều, trước đây, các tàu khách đến Cô Tô đều là các tàu vỏ gỗ, công suất thấp, thời gian chuyên chở khách lâu, khiến nhiều du khách bị say sóng khi đi tàu đến đảo. Để khắc phục tình trạng này, huyện Cô Tô đã tập trung phát triển các đội tàu cao tốc vận tải hành khách có chất lượng cao, nhiều tàu cao tốc 2 thân hiện đại có thể chở trên 300 khách và chạy được sóng đến cấp 6, rút ngắn còn khoảng 1/4 thời gian từ đất liền ra đảo so với trước đây, nay chỉ còn khoảng 70 phút, rút ngắn khoảng cách giữa Cô Tô và đất liền. Trong quý II/2023 Cô Tô sẽ mở đường bay thủy phi cơ kết nối Hạ Long - Cô Tô chỉ mất 20 phút bay.  Không chỉ trên biển, hệ thống giao thông đường bộ cung đã được nâng cấp, gồm tuyến xuyên đảo Cô Tô Lớn 10,5km (đảo Thanh Lân 11km) và hơn 15km các tuyến giao thông nông thôn. Phương tiện giao thông phục vụ du khách thăm quan trên đảo chủ yếu là xe điện thân thiện với môi trường. Đến cuối năm 2023 Huyện Cô Tô phấn đấu hoàn thành mục tiêu nông thôn mới nâng cao.
 
 
Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn luôn ổn định, an ninh biên giới, an ninh kinh tế, văn hóa, an ninh tôn giáo, an ninh nông thôn được đảm bảo, thế trận an ninh nhân dân được giữ vững, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được triển khai đồng bộ, thực hiện có hiệu quả, góp phần nêu cao tinh thần cảnh giác về phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự trong nhân dân, “Cô Tô luôn là điểm sáng về an ninh trật tự trên địa bàn toàn tỉnh”.
Huyện đảo Cô Tô tiến tới trở thành một khu du lịch Quốc gia, tổ hợp dịch vụ du lịch sinh thái, độc đáo, hấp dẫn, chất lượng cao, nơi có môi trường sống hấp dẫn phát triển về kinh tế, đồng bộ về hạ tầng, phát huy và bảo tồn được giá trị sinh thái hệ thống đảo một cách bền vững, có vị trí quan trọng an ninh quốc phòng. Là khu du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao gắn với văn hóa lịch sử và thắng cảnh thiên nhiên với các chức năng vui chơi giải trí tổng hợp, thể thao, dịch vụ du lịch, lưu trú, nghỉ dưỡng cao cấp; nghiên cứu khoa học về thiên nhiên, môi trường sinh thái...; phù hợp với yêu cầu phát triển, thu hút đầu tư và góp phần vào tăng trưởng kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Ninh. Quan điểm trong Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện là phát triển du lịch Cô Tô theo hướng du lịch xanh, tăng trưởng bền vững, tôn trọng và bảo vệ môi trường, giảm thiếu tối đa phát sinh rác thải nhựa trong hoạt động du lịch; phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, bảo tồn đa dạng sinh học biển, cảnh quan, môi trường tự nhiên, giảm thiểu thiên tai, phòng chống biển đổi khí hậu; giữ vững an ninh chủ quyền biên giới quốc gia; bảo đảm an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội./.