Xã đảo Thanh Lân còn có tên gọi là Thanh Lam thuộc lý Hướng Hóa, tổng Vân Hải, huyện Nghiêu Phong nay là Huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh. Thời Đồng Khánh (1886-1888), xã đảo Thanh Lân còn có tên gọi là đảo Vạn La nằm ở phía Đông đảo Chàng Sơn (đảo Cô Tô lớn ngày nay).
Vạn là danh từ chữ Nôm mang nét nghĩa là “làng của những người làm thuyền chài, thường ở trên mặt sông, biển” đồng thời cũng mang nghĩa “muôn vàn” thể hiện sự dồi dào, phong phú. La với ý nghĩa là “lưới giăng đánh bắt”. Hai chữ Vạn La biểu trưng cho sự trù phú của “ốc đảo xanh” bên vũng Thanh Lam (vùng có nước biển ngả màu xanh ngọc, hiện thân cho sự may mắn, bình yên và vững chãi), đồng thời thể hiện ước muốn của ngư dân thời xưa về một cuộc sống sung túc “cá nặng lưới đầy”.
Trong dòng chảy văn hóa biển Việt Nam, các vạn là nơi lưu giữ các bản sắc về lối sống và phong tục, thể hiện hơi thở của cuộc sống ngư dân “ăn sóng nói gió”. Việc đặt tên đảo là Vạn La thể hiện niềm tin và ngưỡng vọng về quá trình tồn tại, phát triển của ngư dân có mặt ở đây từ những mưu sinh và sự thích nghi với vùng biển, đảo.
Công trình cầu Vạn La kết nối Thôn 2 và Thôn 1 xã Thanh Lân, vừa đáp ứng nhu cầu thuyền nhỏ vào âu tàu tránh bão, đồng thời hoàn thiện một phần hạ tầng giao thông ven biển góp phần phát triển kinh tế, xã hội và du lịch của xã đảo. Công trình là một điểm nhấn kiến trúc cảnh quan đẹp tại trung tâm Xã, là điểm du lịch gắn với Quần thể Cột cờ Thanh Lân, Miếu thờ Thôn 2, Nhà thờ Thanh Lân và phục vụ du lịch.
Cầu Vạn La được thiết kế với hoạt tải thiết kế là 0,45HL93, tải trọng người bộ hành 3kN/m2 theo TCVN 11823:2017. Mặt cắt ngang cầu rộng 7,0m; trong đó: Gờ lan can mỗi bên 0,5m, bề rộng xe chạy 6,0m. Tần suất thiết kế nước lũ là 1%; khổ thông thuyền rộng 15x4m. Tải trọng động đất thiết kế cấp V với hệ số gia tốc động đất A=0.0165. Kết cấu phần trên gồm 3 nhịp vòm thép 9.0+28.5+9.0m, nhịp chính có chiều cao vòm từ mặt cầu đến tim vòm H=5m; Hai mố M1, M2 bằng bê tông cốt thép (BTCT) có móng đặt trên 02 cọc khoan nhồi. Kết cấu trụ bằng BTCT có móng trụ đặt trên 02 cọc khoan nhồi D1.0m.
Cầu Vạn La được lên ý tưởng bởi TS. Nguyễn Việt Dũng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện và đề xuất, nghiên cứu bởi PGS.TS.Nguyễn Văn Hậu, giảng viên Trường Đại học Giao Thông Vận Tải, trường đại học có nhiều đóng góp tâm huyết với Huyện đảo Cô Tô. Cầu được UBND Huyện Cô Tô giao cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư xây dựng cầu Vạn La là 14,98 tỷ VNĐ từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác; khởi công tháng 6/2024, hoàn thành tháng 12/2024.