DI TÍCH LỊCH SỬ TRẬN ĐÁNH ĐỒN CAO CỦA ĐẠI ĐỘI KÝ CON ĐÊM NGÀY 13 - 11- 1945 TẠI KHU 1, THỊ TRẤN CÔ TÔ




 
 

Quần đảo Cô Tô có ý nghĩa đặc biệt về kinh tế, chính trị, an ninh và quốc phòng, là hòn đảo tiền tiêu của vùng Đông Bắc của Tổ quốc. Trước đây dưới ách thống trị của Thực dân Pháp, Cô Tô thuộc tỉnh Hải Ninh cũ. Sau cuộc Tổng khởi nghĩa dành chính quyền (8/1945), đảo Cô Tô vẫn bị tàn quân Pháp, bọn thổ phỉ chiếm đóng. Lo lắng về việc chiếm đóng của tàn quân Pháp, tháng 11/1945, thực hiện Chỉ thị của Liên khu Ba, Đại đội Ký Con - Đại đội nổi tiếng của Liên khu 3 mang bí danh Ký Con của lãnh tụ Quốc Dân Đảng Đoàn Trần Nghiệp, một trong những đơn vị vũ trang tập trung đầu tiên của chiến khu Đông Triều được lệnh tổ chức tiến hành đánh Pháp để giải phóng Cô Tô.

Khu vực Đồn Cao ở địa thế trên cao với diện tích khoảng 300m2. Tại đây, có thể quan sát toàn cảnh Cô Tô. Chính vì địa thế đắc địa, có giá trị về quân sự nên Pháp cho đóng quân án ngữ tại nơi đây. Đảo Cô Tô không phải là nơi thành lập hay doanh trại của Đại đội Ký Con, mà chỉ là nơi diễn ra trận đánh đồn địch trên đảo nhằm giải phóng Cô Tô, bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ của đất nước trong những ngày đầu cách mạng tháng Tám năm 1945.

Trận đánh Cô Tô lần thứ nhất: khoảng đầu tháng 11 năm 1945, một cư dân trên con thuyền buồm nhỏ từ đảo Cô Tô về đảo Cát Bà (Hải Phòng) báo cho chính quyền cánh mạng nước ta trên đảo Cô Tô có lính Pháp về đóng, đề nghị chính quyền cánh mạng cho quân đến đánh đuổi chúng đi. Trước tin báo của người dân, Ban chỉ huy Đại đội Ký Con họp bàn và thống nhất phải đưa quân đi đánh Pháp ở Cô Tô. Đại đội đã cử đồng chí Đinh Như Tâm. Trung đội trưởng Trung đội 3, ra ngay đảo Cô Tô trinh sát, nắm tình hình của địch. Ba ngày sau đồng chí Đinh Như Tâm về báo cáo: địch chỉ có một Tiểu đội Pháp lên đảo chiếm đóng trên một đền nhỏ gần bờ biển, ngôi đền mà người Hoa thờ Mã Viện, hàng ngày cứ vào buổi sáng hầu hết tiểu đội chúng ra tắm biển. Buổi sáng hôm sau ngay khi mặt trời vừa ló rạng thì đoàn quân đã xuất phát, tuy nhiên thuyền mới chỉ chạy được 2 tiếng thì nhận được chỉ thị của Bô Tư lệnh mièn Duyên hải: Phải chờ lệnh đánh đảo Cô Tô cùng một đêm với Vạn Hoa. Chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, Lê Phú cho thuyền quay về đảo Cát Bà để chờ lệnh của Bộ Tư lệnh miền duyên hải.

Trận đánh Cô Tô lần thứ hai: sau khi nhận được chỉ thị phải chờ đánh quân Pháp đóng ở đảo Cô Tô cùng một đêm với đảo Vạn Hoa, đồng chí Lê Phú khi về tới đảo Cát Bà bàn với chính trị viên đại đội về việc cử cán bộ đi điều tra lại tình hình quân Pháp đóng ở đảo Cô Tô và đảo Vạn Hoa.

Đến khoảng 10h sáng ngày 10/11/1945, Bộ Tư lệnh miền Duyên hải chỉ thị đánh phá đảo Cô Tô ngay đêm nay. Mệnh lệnh được thi hành ngay, trận đánh Đồn Cao của các chiến sĩ Đại đội Ký Con diễn ra hết sức ác liệt. Vào đêm ngày 13/11/1945, Đại đội Ký Con do Đại đội trưởng Lê Phú chỉ huy đi trên các thuyền bí mật tiếp cận đảo Cô Tô thì thấy trên biển gần đảo có một cụm đèn rực sáng. Lê Phú vốn là lính thủy Pháp nên biết là đèn của một chiến hạm Pháp nhưng vẫn lệnh cho mọi người áp sát và đổ bộ lên đảo. Vì ngày 10/11, quân ta đã đánh Vạn Hoa nên Pháp tăng cường tàu bảo vệ Cô Tô.

Đến đêm, hai mũi đánh Đồn Cao gặp nhau ở gần đồn địch, dàn quân vào vị trí. Đại đội trưởng Lê Phú lệnh cho chiến sĩ Bùi Văn Ngoạn khai hoả vào Đồn Cao. Mỗi lần ánh sáng đèn pha trên chiến hạm quét một lần và pháo sáng bắn vào vùng quân ta tấn công, tức thì những tràng đạn tiểu liên ở lô cốt góc phải đồn bắn ra dữ dội. Trời chuẩn bị sáng, Đại đội trưởng Lê Phú lệnh cho từng tổ rút nhanh ra khỏi dốc Đồn Cao, tìm nơi ẩn nấp để tìm thuyền vượt biển trở về.

Tiểu đội của Đinh Như Tâm tiến công ngôi nhà lá là kho chứa quân trang, quân dụng phía dưới chân đồi gần con đường đất dẫn lên Đồn Cao. Tiểu đội của Nguyễn Hoà do trung đội phó Lê Hai chỉ huy, khi nghe tiếng súng nổ trên Đồn Cao, Lê Hai đã hạ lệnh cho tiểu đội nổ súng, đồng loạt bắn và ném lựu đạn vào đền thờ Mã Viện. Trời gần sáng, tất cả các lực lượng của ta rút lui theo kế hoạch về một địa điểm để chờ đêm tối xuống thuyền rút về Cát Bà. Nhưng địch từ trên Đồn Cao xuống và địch từ chiến hạm lên càn quét vào các mảng rừng trên đảo để truy bắt từng cán bộ, chiến sĩ. Kết quả, trong trận đánh Đồn Cao, Đại đội Ký Con đã hy sinh 17 đồng chí và 1 ngư dân dẫn đường người đảo Minh Châu. Địch bắt sống 22 đồng chí và 4 người dân lái thuyền. Đại đội trưởng Lê Phú và Trung đội trưởng Nhâm Ngọc Bình cùng 12 đồng chí khác đã rút được về Cát Bà.

Đây là trận đánh mà Đại đội Ký Con tổn thất lớn nhất nhưng tinh thần chiến đấu quả cảm của cán bộ, chiến sĩ đơn vị trên đảo Cô Tô đã tạo nên khí thế của trận đánh. Mặc dù đường xa, đi trên biển, phương tiện thô sơ nhưng tất cả họ đã bất chấp hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình để tiến công quân địch, là một minh chứng của chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa và từ cơ sở.

Địa điểm này đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh xếp hạng là di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 4425/QĐ-UBND ngày 28/11/2007. Khu di tích lịch sử trận đánh Đồn Cao hiện thuộc địa bàn khu 1, thị trấn Cô Tô, huyện Cô Tô. Con đường đi lên khu di tích hiện nay đã được sửa sang đẹp đẽ, hai bên đường cây cối xanh tốt.

Tại Đồn Cao, chúng ta có thể quan sát được toàn cảnh Cô Tô. Sau những rêu phong bụi mờ của thời gian đằng đẵng gần 8 thập kỷ, dấu tích Đồn Cao giờ đây chỉ còn lại nền móng của những viên gạch cũ rêu phong, bể nước, hầm ngầm, bờ kè đá. Các điểm đền thờ Mã Viện năm xưa không còn, ngôi nhà chứa quân trang, quân dụng của địch năm xưa đã bị đốt cháy ngay sau khi đơn vị bị thất bại rút khỏi đảo Cô Tô. Khu di tích ngày nay trở thành một điểm tham quan tìm hiểu có ý nghĩa đối với các tầng lớp Nhân dân và du khách.

Để tri ân các anh hùng, liệt sỹ, trên đảo đã xây dựng Nghĩa trang liệt sỹ Cô Tô, trong đó đã quy tập phần mộ của 17 chiến sỹ đã hi sinh trong trận đánh Đồn Cao của Đại đội Ký Con. Hiện hài cốt các chiến sĩ hy sinh trong trận đánh đã được đưa về quê nhà yên nghỉ, còn duy nhất 01 phần mộ của 01 chiến sỹ vẫn nằm tại Nghĩa trang liệt sỹ. Ngoài ra, tại thị trấn Cô Tô có một con phố mang tên Ký Con, để tri ân, tưởng nhớ công lao của các liệt sĩ, chiến sĩ năm xưa đã dâng hiến cả tuổi xuân, sinh mạng của mình cho sự nghiệp giải phóng huyện đảo Cô Tô./.

Cụ Lê Phú sinh năm 1925 tại Hải Phòng, quê ngoại ở phường Cộng Hoà (TX Quảng Yên). Năm 1940, Lê Phú vào làm công nhân Nhà máy Cơ khí Uông Bí. Cuối năm 1942, Lê Phú gia nhập thuỷ binh Pháp, được đào tạo lớp hải quân lục chiến. Tháng 4/1945, Lê Phú bắt liên lạc được với Nguyễn Bình (sau là Tư lệnh Chiến khu Đông Triều). Sau đó, được lệnh của Nguyễn Bình, Lê Phú cùng hai thuỷ binh là Hoàng Vinh và Hà Phượng Tiên tháo hai khẩu đại liên trên tàu để đưa về trang bị cho nghĩa quân Chiến khu Đông Triều. Lê Phú đã trực tiếp chỉ huy các trận đánh đồn Bí Chợ (Uông Bí) ngày 1/7/1945, giành chính quyền ở Quảng Yên và ở Hải Phòng tháng 7/1945, bảo vệ giành chính quyền cách mạng ở Hòn Gai tháng 9/1945. Ngày 13/11/1945, Lê Phú chỉ huy trận tấn công quân Pháp trên đảo Cô Tô và bị Pháp bắt giam ở Khám Lớn Sài Gòn, kết án tử hình rồi đày đi Côn Đảo. Cuối năm 1954, Lê Phú được trao trả, tiếp tục công tác trong quân đội đến năm 1955 thì chuyển ngành, đến tháng 7/1987 thì cụ nghỉ hưu.