Kinh nghiệm du lịch đảo Cô Tô bạn nên biết

20/04/2023
 
Cô Tô một điểm đến - Hai thiên đường: “Thiên đường của những bãi cát trắng, mền mịn cùng với làn nước mát lạnh trong xanh của biển cả; Thiên đường của các loại hải sản cực kỳ thơm ngon, tươi sống và bổ dưỡng”.
Du lịch Cô Tô đã trở thành một lựa chọn sáng suốt của nhiều bạn trẻ thích trải nghiệm, hay những gia đình cần không gian nghỉ ngơi thoáng đãng. Sau đây là tất tần tật hướng dẫn di chuyển đến Cô Tô và tất cả kinh nghiệm cho chuyến đi của bạn tiết kiệm nhất.
 
Đi Cô Tô nghĩa là bạn đã chọn cho mình niềm hân hoan được ngắm bình minh trên hòn đảo đã từng đi vào ký của Nguyễn Tuân, và hồi hộp chờ đến hoàng hôn để thấy ánh nắng tắt dần trên đảo ngọc Cô Tô ra sao? Hơn thế, bạn còn được chiêm ngưỡng bãi đá pealit ở bãi đá Móng Rồng  - nơi còn lưu giữ nhiều nét quần thể kiến tạo của tự nhiên.
 
Để có một cái nhìn rõ nét hơn cho những ai muốn ghé thăm hòn đảo xinh đẹp này, Phòng Văn hóa - Thông tin và Du lịch huyện Cô Tô xin được cung cấp một vài thông tin hữu ích khi du lịch Cô Tô năm 2023. Những kinh nghiệm du lịch Cô Tô này sẽ vô cùng có ích cho chuyến đi sắp tới của bạn.
Nhiều người phân vân không biết nên đi Cô Tô du lịch mùa nào trong năm thì hợp lý nhất? Thực ra muốn đi du lịch bạn cũng nên chọn lựa một thời điểm đẹp để đi du lịch. 
Một trong những lưu ý cho các du khách khi đi du lịch Cô Tô là nên đi vào 2 mùa sau: Mùa hè và mùa thu (Đây được đánh giá là 2 mùa đẹp nhất đi du lịch Cô Tô). Du lịch Cô Tô thời tiết và cảnh quan đẹp nhất vào tháng 4, 5,6,7,8,9,10; tháng 9,10 thời tiết vào thu rất dễ chịu, biển trời trong xanh, đẹp đến mê hồn; bên cạnh đó, thời tiết đẹp để du lịch cô tô tháng 3 và tháng 11 cũng rất tuyệt khi trời se se lạnh, vẫn có nắng nhưng không đủ ấm để bạn tắm biển, biển lặng sóng phù hợp cho những hoạt động trải nghiệm trên biển cùng ngư dân địa phương.
I. Phương tiện đi lại:
Cô Tô là một trong 12 huyện đảo du lịch xinh đẹp nhất của Việt Nam. Cô Tô là huyện đảo nằm phía đông của tỉnh Quảng Ninh cách đất liền khoảng 60km về phía đông bắc Vịnh Bắc Bộ, có tổng chiều dài biên giới biển tiếp giáp với Trung Quốc gần 200 km từ khơi đảo Trần đến ngoài phía đông đảo Bạch Long Vĩ của Hải Phòng. Cô Tô được thành lập năm 1994, bao gồm 02 xã và 01 thị trấn. Quần đảo Cô Tô với diện tích tự nhiên 53,6 km2, có khoảng 71 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có ba đảo lớn: Cô Tô lớn, Cô Tô con và đảo Thanh Lân. Là huyện mới thành lập, dân số ít, diện tích nhỏ, địa hình phức tạp nhưng lại giữ vị trí chiến lược hết sức quan trọng về quốc phòng - an ninh ở vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc. Trải qua gần 30 năm xây dựng và phát triển, đến nay toàn huyện có dân số gần 7.000 nhân khẩu, tổng số hộ gia đình 2051, sinh sống tập trung tại các địa bàn Cô Tô, Thanh Lân và đảo Trần. Huyện Cô Tô có 9 dân tộc anh em sinh sống: Kinh, Sán Dìu, Dao, Thái, Mường, Tày, Hoa, Nùng và Cao Lan đến từ 14 tỉnh, thành trong cả nước ra xây dựng kinh tế mới như Hải phòng, Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa....Những năm qua cùng với sự đầu tư của Đảng, Nhà nước và phát huy nội lực, phấn đầu không ngừng của địa phương, Cô Tô đã có nhiều đổi mới, bứt phá vượt bậc, đạt nhiều thành tựu phát triển quan trọng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là du lịch.
Huyện Cô Tô có lịch sử phát triển lâu đời, giàu truyền thống văn hóa, nhiều phong tục, tập quán, có 02 di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt và cấp tỉnh. Nhân dân huyện Cô Tô có truyền thống tự lực tự cường, sáng tạo, năng động, đa nghề, cần cù lao động sản xuất.
Cô Tô nơi hội tụ những dòng văn hóa biển “Có một Cô Tô đa văn hóa ở vùng biển đảo Đông bắc Tổ quốc”: đến Cô Tô du khách sẽ gặp ở đây là một gương mặt của những cư dân mới, họ mới đến và ở lại quãng trên dưới nửa thế kỷ. Nhưng cái mới ấy là một vóc dáng của nguồn lực văn hóa dân gian đậm chất văn hóa vùng ven biển Bắc Bộ. Với số dân chỉ dao động gần 7000 người, trên địa bàn của vùng đảo giữa bốn bề sóng nước, nhưng địa thế đó, đất đai đó đã tạo cho những cư dân “mới” vô vàn những giá trị văn hóa được chưng cất từ các vùng quê từ Thanh Nghệ Tĩnh đến đồng bằng bắc bộ đều hội tụ về đây. Vì thế, các cư dân bám biển, bám đảo trên dưới nửa thế kỷ qua, trên quần đảo Cô Tô đầy sóng gió, họ là những báu vật dân gian sống, họ như là những một cột mốc văn hóa để góp phần làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là sự bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam mến yêu. Trên quần đảo Cô Tô vẫn có những dòng sông văn hóa biển, đã và đang hiện diện những góc riêng mang sứ mạng là văn hóa Cô Tô, văn hóa của những người ở nơi hòn đảo tiền tiêu này. Có thể nói cư dân Cô Tô hiện đang cư ngụ trên quần đảo này là cư dân đa dân tộc, đa thanh, đa ngôn, đa dạng văn hóa vùng miền, nhưng tựu chung vẫn là mẫu số chung là Văn hóa vùng biển Đông bắc Tổ quốc. Dòng người đến đảo, dù trước, dù sau, đều là cư dân biết làm nghề biển sẽ thích nghi với biển cả nơi đây, nếu là dân làm nông nghiệp họ cũng thích nghi ngay các công việc nghề nông.  Bây giờ thế hệ thứ hai, thứ ba sinh ra, trưởng thành trên đảo đã là cán bộ chủ chốt của huyện và các địa bàn các cấp thôn, xã. Những cư dân đã đến và ở lại cho một Cô Tô phát triển vững bền cho muôn sau, thế hệ hôm nay đã tự tin khẳng định là người Cô Tô. Trong các xóm làng  rên đảo đã có các khu dân cư tập trung theo cách họ lựa chọn, như có những xóm chỉ là dân Hà Nam Ninh cũ gồm các địa phương Nam Định, Ninh Bình và Hà Nam đến lập nghiệp ở bên đảo Thanh Lân. Những cư dân đầu tiên đến đã mang theo nghề quen thuộc của mình là nghề biển, là đánh bắt hải sản, là nghề nuôi sống họ giàu có lên như nghề thu hoạch và chế biến con sứa. Một nghề mà không phải cư dân nào cũng thích nghi được. Nhưng với tính chịu khó, cần cù, lam làm của họ, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo bền vững và đóng góp rất nhiều vào công cuộc xây dựng Cô Tô thành huyện đầu tiên trên cả nước về đích nông thôn mới. Ở đảo Thanh Lân có Nhà thờ thiên chúa giáo vì ở đó có nhiều cư dân là bà con giáo dân đến từ vùng theo đạo công giáo là Hải Phòng và Nam Định. Ở bên đảo Cô Tô lớn có Chùa thờ Phật dành cho những cư dân theo đạo Phật. Các xóm, cụm dân cư người Nghệ An, người Thanh Hóa, người Nam Định, người Thái Bình… đều có những nét văn hóa riêng và cộng đồng cư dân giao thoa văn hóa, giao thoa trong các hoạt động cộng đồng khác như hôn nhân, họ tộc, làng xóm địa phương… tất cả đều tạo nên những nét văn hóa mang đậm tính Cô Tô hôm nay. 
 Bạn đã đến Du lịch khám phá đảo Cô Tô chưa?
Bạn cùng bạn bè, gia đình và người thân đã lên lịch đi Cô Tô nghỉ ngơi sau những ngày dài mệt mỏi. Nhưng bạn còn đang loay hoay chưa biết quãng đường đi Cô Tô thế nào, đi bằng phương tiện gì, chi phí đi lại ra sao? Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn cách di chuyển từ Hà Nội đi Cô Tô thật chi tiết và an toàn.
Cách di chuyển từ Hà Nội đi Cô Tô 
Huyện Cô Tô là một quần đảo nhỏ nằm ở phía Đông của tỉnh Quảng Ninh. Do đó để đến được Cô Tô bạn phải trải qua 2 chặng đường chính (đường bộ và đường biển) như sau:
Chặng 1: Phương tiện di chuyển từ Hà Nội - Cô Tô (có 3 phương án di chuyển): Đi từ Hà Nội đến cảng Tuần Châu (Hạ Long) hoặc Cẩm Phả (Vũng Đục) hoặc Cái Rồng (Vân Đồn):
Để đến Cô Tô từ Hà Nội thì đầu tiên bạn phải di chuyển đến một trong 3 cảng Tuần Châu (Hạ Long) hoặc Cẩm Phả (Vũng Đục) hoặc Cái Rồng (Vân Đồn). Nếu đi xe máy, 2 bạn có thể chủ động thời gian, có nhiều trải nghiệm và nhiều cơ hội được gần nhau hơn. Tuy nhiên đường đi khá xa nên lựa chọn này cũng khá nguy hiểm. Chưa kể là bạn sẽ phải mất thêm phí bốc xe lên tàu, lên cảng và cước xe.
Các bạn cũng có thể chọn cách đi ô tô. Khi đi ô tô, 2 bạn sẽ có nhiều thời gian nghỉ ngơi và trò chuyện cùng nhau hơn trong chuyến đi Cô Tô của mình.
Có rất nhiều xe khách đi từ Hà Nội đến Quảng Ninh. Bạn có thể đón xe đi Hạ Long, Cẩm Phả, Cửa Ông từ bến xe Mỹ Đình hoặc Lương Yên. Vé xe khoảng 100k - 250k. Sau đó, bạn xuống xe ở cổng Tuần Châu để bắt taxi đến cảng Tuần Châu, hoặc xuống bến Vũng Đục (Cẩm Phả) hoặc xuống cảng Vân Đồn. Bạn cũng có thể bắt xe Limousine để đi thẳng từ Hà Nội đến Tuần Châu (Hạ Long) hoặc Cẩm Phả (Vũng Đục) hoặc Cái Rồng (Vân Đồn). Đây là loại xe 16 chỗ và sẽ đón khách hàng ngày ở Kim Mã. Giá có đắt hơn xe khách 24 chỗ một chút, dao động từ 180k đến 280k.
- Chặng 2, từ  Hà Nội - Cảng Cái Rồng (Vân Đồn): Từ cảng Tuần Châu (Hạ Long) – Đảo Cô Tô: Quãng đường khoảng 70km, đi tàu cao tốc 5 sao Tuần Châu Express thời gian khoảng 120 phút, giá vé 390.000đ/lượt.
- Từ cảng Vũng Đục (Cẩm Phả) – Đảo Cô Tô: Quãng đường khoảng 60km, đi tàu cao tốc Hoàng Gia thời gian khoảng 90 phút, giá vé 250.000đ/lượt.
- Từ Cảng Cái Rồng (Vân Đồn) - Đảo Cô Tô: Quãng đường khoảng hơn 35km. Bạn có thể đi tàu cao tốc hoặc tàu gỗ, với thời gian từ 120 - 150 . Tàu cao tốc từ 65 - 80 phút, giá vé tàu gỗ 120.000/lượt, tàu cao tốc thường 250.000đ/lượt, tàu cao tốc 5 sao 300.000đ/lượt.
2. Phương tiện di chuyển trên đảo Cô Tô
Phương tiện phục vụ tham quan trên đảo bao gồm: Xe điện từ 7 đến 14 chỗ, xe máy, xe đạp đôi, xe đạp đơn...
Giá xe điện có sự chênh lệch lớn vào các ngày cuối tuần, lễ, Tết bởi lượng khách tương đối đông, nhu cầu tăng cao. Trung bình, giá thuê xe điện 7 chỗ khoảng 1,2 triệu VNĐ/ngày trọn gói, đến tất cả các điểm tham quan. Nếu bạn muốn thuê xe 14 chỗ, giá sẽ tăng thêm khoảng từ 200 nghìn VNĐ - 400 nghìn VNĐ/ngày trọn gói. Nếu muốn tiết kiệm chi phí một cách tối đa, bạn có thể thuê xe máy với giá 200 nghìn VNĐ/ngày (tự túc đổ xăng). Hoặc xe đạp đôi với giá 30 - 50k/tiếng.
II. Nhà nghỉ, khách sạn trên đảo Cô Tô
Hiện nay Cô Tô có gần 250 cơ sở lưu trú: 4 khách sạn 3 sao, 12 khách sạn 2 sao, hơn 22 khách sạn 1 sao và 02 khách sạn đạt tiêu chuẩn, hơn 100 homestay và nhà nghỉ giành cho khách du lịch ngày càng được đầu tư bàn bản, giá phòng sẽ dao động từ 400.000đ - 2.500.000đ (tất cả các phòng nghỉ ở Cô Tô từ nhà nghỉ, homestay …đều có vệ sinh khép kín, điều hòa…đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất tối thiểu để phục vụ khách du lịch)
Những năm gần dây loại hình homestay đang được đầu tư bài bàn, gẫn gũi với thiên nhiên đang được du khách lựa chọn để tận hưởng cho chuyến đi Cô Tô.
III. Các điểm tham quan tại Cô Tô
Khoảng cách các điểm du lịch với thị trấn Cô Tô:
Thị trấn Cô Tô - Cầu cảng ( bến tàu ) = 1km
Thị trấn Cô Tô - Tượng đài Bác Hồ = 100m
Thị trấn Cô Tô - Chùa Cô Tô = 800m
Thị trấn Cô Tô - Con đường tình yêu = 150m
Thị trấn Cô Tô - Ngọn hải đăng = 4km
Thị trấn Cô Tô - Bãi tắm Hồng Vàn = 5km
Thị trấn Cô Tô - Cảng quân sự Bắc Vàn = 8km
Thị trấn Cô Tô - Bãi tắm Vàn Chảy = 6km
Thị trấn Cô Tô - Bãi đá Cầu Mỵ = 3km
Thị trấn Cô Tô - Bến tàu ra Cô Tô Con = 7km
*  Thông tin các tuyến đường, tuyến phố đặc biệt gắn với Cô Tô
 - Đường Nguyễn Công Trứ:  Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858) quê làng Uy Viễn, nay là xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1832, với cương vị tổng đốc Hải An (Hải Dương - An Quảng) ông đã xin triều đình cho thành lập làng xã để cai quản, làng đầu tiên ông đặt là làng Hướng Hóa (huyện Cô Tô ngày nay). Năm Mậu Tuất, Minh Mệnh thứ 19, ông lại ra làm Tổng đốc Hải An, quản đốc đại đội binh thuyền chia đường ra tận đảo Chàng Sơn, giết được nhiều giặc, bắt được nhiều thuyền rồi kéo quân về đóng ở Vân Đồn. Đặt tên đường Nguyễn Công Trứ nhằm ghi nhớ công lao to lớn của ông trong việc trấn an bờ cõi, mở mang làng xã, khẳng định chủ quyền dân tộc.
- Đường 23 tháng 3: Ngày 23/3/1994, Chính phủ ban hành Nghị định 28-CP đổi tên huyện Cẩm Phả thành huyện Vân Đồn, đồng thời tách quần đảo Cô Tô gồm hai xã Thanh Lân, Cô Tô thành lập huyện Cô Tô. Đặt tên đường 23 tháng 3 kỷ niệm ngày truyền thống hàng năm của huyện. Đặt tên đường 23 tháng 3 nhằm tuyên truyền, kỷ niệm ngày thành lập huyện Cô Tô.
- Đường 09 tháng 5: Ngày 09/5/1961, từ Trà Cổ (Móng Cái), Bác Hồ ra thăm đảo Cô Tô, Bác đi thăm Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, cánh đồng muối. Tại đây bác đã căn dặn “Thủ đô Hà Nội tuy cách xa đảo nhưng Đảng và Chính phủ luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết, tiến bộ”. Cô Tô là địa phương duy nhất được Bác Hồ đồng ý cho dựng tượng khi người còn sống. Đặt tên đường 09 tháng 5 nhằm ghi nhớ sự kiện Bác Hồ ra thăm đảo Cô Tô.
- Phố Ký Con: Đại đội Ký Con (Đại đội nổi tiếng của Liên khu 3) mang bí danh của Đoàn Trần Nghiệp (1910 - 1930), người tham gia lãnh đạo khởi nghĩa Yên Bái. Tháng 11/1945, Đại đội Ký con dưới sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh miền Duyên Hải tổ chức lực lượng tiến đánh quân Pháp để giải phóng Cô Tô, trận đánh này ta đã đốt cháy nhiều kho quân trang, quân dụng của Pháp, 17 chiến sỹ của Đại đội đã hy sinh anh dũng, góp phần bảo vệ độc lập chủ quyền của quân dân trên đảo.Tên gọi quen thuộc ăn sâu vào tiềm thức của nhân dân địa phương.
- Phố Nguyễn Tuân: Nguyễn Tuân (1910 - 1987) là nhà văn nổi tiếng, sở trường là tùy bút và ký, được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh. “Ký sự Cô Tô” của ông viết năm 1972 lột tả hình ảnh tươi sáng, vẻ đẹp của thiên nhiên, con người Cô Tô sau một cơn bão biển đã được đưa vào nội dung giảng dạy trong nền giáo dục Việt Nam. Đặt tên phố Nguyễn Tuân nhằm giáo dục truyền thống hiếu học cho các thế hệ, đặc biệt thế hệ trẻ.
* Các điểm thăm quan, du lịch chính ở Cô Tô
TUYẾN DU LỊCH CHÍNH TẠI CÔ TÔ
Tuyến 1: Thị trấn Cô Tô - Xã Đồng Tiến 
Bãi đá Cầu Mỵ - Trung tâm nghề cá Vịnh Bắc Bộ - Chợ trung tâm - Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh - Khu di tích Đồn Cao - Đường tình yêu và bãi tắm Nam Hải - Hải đăng Cô Tô - Hồ Trường Xuân - Bãi Hồng Vàn - Rừng nguyên sinh - Bãi Vàn Chảy.
Tuyến 2: Thị trấn Cô Tô - Đảo Cô Tô Con 
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bãi Nam - Bãi Đông - Hòn Sư Tử
Tuyến 3: Thị trấn Cô Tô - Xã Thanh Lân 
 Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bãi Vụng Ba Châu - Cơ sở chế biến sứa Mai Công Đàm
CÁC ĐIỂM DU LỊCH NỔI BẬT 
Khi đến thăm Cô Tô tùy vào thời gian lưu trú nhưng nhất định du khách không nên bỏ qua những điểm du lịch nổi bật này: 
* Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô
Được công nhận là khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt năm 2022, khu di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô là niềm tự hào của quân, dân nơi đây cũng như quân, dân toàn tỉnh Quảng Ninh. Trên đảo nhỏ, giữa bốn bề biển khơi, tượng đài Bác uy nghiêm hướng ra Biển Đông như khẳng định một chân lý - đảo nhỏ Cô Tô, mảnh đất thân thương này là “máu”, là “thịt” của đất nước Việt Nam. Ai đã từng đặt chân đến Cô Tô, đã từng đứng trước tượng đài Bác đều trào dâng xúc động, tràn đầy lòng kính yêu, niềm tự hào vô hạn. Bởi lẽ, đây là nơi đầu tiên và cũng là nơi duy nhất được Bác Hồ cho phép dựng tượng khi Người còn sống. 
Ngày 09/5/1961, lần đầu tiên Bác Hồ đã ra thăm đảo, Người đã căn dặn đồng bào, chiến sĩ trên đảo: "... Thủ đô Hà Nội tuy cách xa các đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết cố gắng và tiến bộ". Với tấm lòng kính trọng vô hạn đối với Bác Hồ, năm 1962, nhân chuyến quay trở lại thăm vùng Đông Bắc của Người, quân và dân trên đảo Cô Tô đã xin phép Bác được dựng tượng Người trên đảo và đã được Người đồng ý. Năm 1968, tượng đài Bác Hồ đã được nhà điêu khắc Nguyễn Văn Quế cùng các đồng nghiệp bắt tay vào thực hiện.
     Sự kiện lịch sử Bác Hồ về thăm đảo Cô Tô vào ngày 09/5/1961 có giá trị vô cùng to lớn và vô giá đối với Đảng bộ, quân, dân huyện Cô Tô, là sự chăm lo, tình yêu thương của Bác dành cho đồng bào, chiến sĩ nơi đảo xa. Mãi mãi trở thành một dấu ấn không thể phai mờ trong tâm trí quân và dân huyện đảo. Sáu mươi năm đã trôi qua, dù bao biến cố, đổi thay của cuộc sống, nhưng toàn Đảng, toàn dân Cô Tô đã không ngừng khắc phục khó khăn, quyết tâm bảo vệ, xây dựng huyện đảo ngày giàu đẹp hơn như niềm mong đợi, tin yêu của Người.
* Cột cờ chủ quyền Tổ quốc trên đảo Cô Tô
Công trình Cột cờ trên đảo Cô Tô do trường Đại học Giao thông Vận tải chủ trì và phối hợp cùng Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng huyện Cô Tô được khởi công xây dựng ngày 14/3/2022. Cột cờ có chiều cao từ mặt đất tới đỉnh cột là 27,9m (có tỷ lệ 1/1 so với Cột cờ tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội). Lá cờ Tổ quốc rộng 4,5m, dài 6,2m được kéo lên đỉnh kỳ đài cao 27,9m tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô. Bệ móng được thiết kế giúp Cột cờ có thể chịu được sức gió rất mạnh, bão trên cấp 12. Cột cờ được sử dụng các kỹ thuật, công nghệ và vật liệu mới, tiên tiến nhất; phần cột cờ chính sử dụng ống thép kết cấu mạ kẽm nhúng nóng; đế móng sử dụng loại bê tông có cấp C35 (mác >400) và bê tông tính năng cao UHPC, đảm bảo công trình có độ bền trên 70 năm trong điều kiện khí hậu biển đảo. Cột cờ có phần chuyển động, tời, hệ thống điện được Bộ Tư Lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thiết kế, cung cấp, thi công tạo ra sức kéo đủ căng trước gió mạnh biển đảo. Điều đặc biệt hơn nữa là hệ thống điện tử của bộ tời điều khiển lá cờ đi theo hành trình đúng bằng thời gian bài Quốc ca tại Quảng Trường Ba Đình hay sử dụng cho các Đại lễ lớn của đất nước. Công trình được khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm 61 năm ngày Bác Hồ ra thăm đảo Cô Tô 9/5 (1961-2022). Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng trao tặng cho quân và dân Cô Tô trong một nghi lễ đặc biệt trang trọng rước lá cờ từ trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Đình về Cô Tô. Cột cờ có tỷ lệ 1:1 so với cột cờ tại Quảng trường Ba Đình, được đặt ở trước tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cô Tô hôm nay đã đổi thay nhưng những dấu mốc lịch sử ngày đón Bác Hồ về thăm, quần thể Khu di tích lịch sử Khu di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô ghi dấu bóng hình Bác đến nay vẫn còn vẹn nguyên. Huyện đảo Cô Tô vinh dự và tự hào là nơi duy nhất trên cả nước được Bác Hồ cho phép dựng tượng Người lúc sinh thời. Công trình “Cột cờ chủ quyền trên đảo Cô Tô” có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Mang tính giáo dục sâu sắc, khơi dậy và phát huy niềm tự hào dân tộc, thể hiện tình yêu quê hương đất nước, tình yêu biển đảo, góp phần củng cố, nâng cao nhận thức trong thế hệ trẻ, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vai trò, vị trí chiến lược của biển, đảo Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 * Chùa trúc lâm Cô Tô: Với hơn 70% dân số theo Đạo Phật, từ lâu nguyện vọng được xây dựng một ngôi chùa thờ Phật ở trên đảo làm nơi sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng cho các tín đồ Phật tử đã là niềm mong mỏi lớn lao của đông đảo nhân dân, Phật tử  trên huyện đảo Cô Tô và nguyện vọng đó cũng là phù hợp với chủ trương chính sách tự do tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước ta. Mặt khác, việc đầu tư xây dựng một ngôi chùa thờ Phật thuộc hệ thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên đảo Cô Tô là xây dựng cột mốc văn hóa, khẳng định chủ quyền góp phần củng cố an ninh, chính trị tôn giáo vùng biên giới, hải đảo. Đáp ứng mong mỏi đó năm 2015 dự án xây dựng chùa thờ Phật tại huyện đảo Cô Tô Chùa Trúc Lâm Cô Tô, tên chùa được đặt theo tên của hệ thống Phật giáo Trúc Lâm do Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập. Ngôi chùa được xây dựng tại khu đồi Truyền hình, bên cạnh di tích lịch sử đền thờ Đại Đội Ký Con có tổng diện tích: hơn 2.5ha chia thành các phân khu như: Khu cổng tam quan, lầu chuông, lầu khánh, tòa Tam Bảo, nhà thờ tổ, nhà tăng, nhà thờ mẫu, nhà khách, và khuôn viên cảnh quan. Ngày mùng 9 tháng 11 năm Canh Tý Ban trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh tổ chức lễ khánh thành Tòa Tam Bảo và bổ nhiệm đại đức Thích Khai Từ làm trụ trì.
* Đảo Thanh Lân
Thanh Lân rộng 18,2 km2, là hòn đảo lớn nhất nằm về phía đông bắc. Cách trung tâm huyện đảo Cô Tô 4 km đường biển, từ đảo Cô Tô sang Thanh Lân mất khoảng 20 phút đi bằng đò. Hiện đã có hãng tàu cao tốc Nguyên Việt chạy thẳng từ Vân Đồn - Thanh Lân, giá vé 280.000 đ/lượt (Chuyến cố định Vân Đồn - Thanh Lân khởi hành 13h00, Thanh Lân - Vân Đồn khởi hành 7h30, liên hệ đặt vé SDT 0987989888). Đến nay, Thanh Lân vẫn còn giữ nguyên vẻ hoang sơ, ít bị tác động bởi con người. Trên đảo có nhiều bãi biển thơ mộng, hoang sơ với mặt nước xanh trong, cát trắng mịn như: bãi Hải Quân, C76, bãi Ba Châu; Ngoài ra, trên đảo còn có những bãi đá trầm tích có nhiều hình thù khác nhau, điều khác biệt của những bãi đá ở đây rất mịn và không có rêu. Màu xám đá nguyên thủy lộ ra càng tô đậm thêm vẻ hùng vĩ, hoang sơ nơi xã đảo Thanh Lân khiến ai cũng thích thú ngắm nhìn.Đi trên những cung đường uốn lượn bên bờ biển, với những bờ cát trắng trải dài miên man bạn sẽ được tận hưởng làn gió mát rượi từ biển, trên cát còn có những luống hoa muống biển, đã từng đi vào thi ca, những sắc hoa tim tím mỏng manh như tô điểm thêm vẻ đẹp cho mây trời, sóng nước của Thanh Lân. Ấn tượng về Thanh Lân còn đến từ sự kết hợp độc đáo của biển và rừng, “vẽ” nên khung cảnh sơn thủy hữu tình mê mải sắc xanh, mang đến những trải nghiệm mới lạ cho du khách khi nghỉ dưỡng, khám phá. Rừng tự nhiên ở xã đảo Thanh Lân rộng khoảng 2.000 ha, được bảo vệ và gìn giữ rất tốt, trong đó có những cánh rừng nguyên sinh thơ mộng tạo cảm giác thư thái để bạn có thể rũ bỏ muộn phiền.Là một người đam mê phiêu lưu, bạn còn có thể xuyên qua những cánh rừng để đến với bãi biển xinh đẹp ấy trong mùa hè nóng nực. Hương vị thanh khiết của rừng, mùi biển nồng nàn, tiếng sóng biển du dương, dạt dào sẽ khiến bạn cảm nhận rõ nét nhất sự hoang sơ, trữ tình đáng yêu của Thanh Lân. Nước biển Thanh Lân trong xanh, sóng êm rất thích hợp để bơi lội, ngâm mình thư giãn hoặc dạo chơi trên bãi biển nhặt vỏ sò, san hô, sao biển và cảm nhận từng hạt cát già lạo xạo dưới chân. Cát già là cát lâu năm nên hạt rất nhỏ và mịn, khi ma sát với nhau tạo nên tiếng động lạ, lý thú. Vì thế, chỉ đơn giản là dạo chơi trên bãi biển Thanh Lân cũng để mang đến cho bạn những cảm xúc khó tả. Thanh Lân chào đón du khách với tất cả những gì bình dị, thân thương, bình yên và hoang sơ nhất. Nếu may mắn bạn sẽ được ngắm nhìn và chứng kiến những đàn cò nhởn nhơ dạo biển, kiếm mồi, hay từng đàn hải âu, diều hâu chao lượn trên bầu trời. Một khung cảnh hoàn toàn hoang sơ, như bỏ quên cả sự chứng kiến của con người. Mọi việc diễn ra một cách hoàn toàn tự nhiên, theo bản năng tự ngàn xưa. Vào mùa sứa về hàng năm, bạn còn có thể ghé thăm xưởng làm sứa để tìm hiểu cách người dân chế biến từ những con sứa tươi ngon thành món ăn ra sao với nhiều trải nghiệm thú vị. Tại Thanh Lân có nhiều hải sản khác lạ mà những nơi khác ít có như: bào ngư, cầu gai, hải sâm, ốc hương, mực ống… Những người dân biển nơi đây sẽ chế biến chúng nhiều món ngon để du khách cảm nhận trọn vẹn được hương vị tinh túy của biển. 
Thanh Lân năm 2023 sẽ có các sản phẩm du lịch đặc sắc, khác biệt được UBND huyện Cô Tô cho phát triển chỉ có ở Thanh Lân đó là lặn biển giải trí và cắm trại du lịch.
Nếu không ngại, bạn còn có thể cùng ngư dân dong thuyền ra biển đánh cá, mực, ốc, tôm… rồi về tự tay chế biến, nấu nướng theo khẩu vị và sở thích của mình. Đêm Thanh Lân, thưởng thức tiệc nướng bên bờ biển, nhấm nháp ly rượu cầu gai. hoặc đơn giản chỉ là dạo bộ ngắm biển đêm cũng đủ thấy hạnh phúc ngập tràn mà chẳng còn âu lo.
Hãy đến với đảo Thanh Lân bạn sẽ bị quyến rũ, gọi mời bởi khung cảnh hoang sơ, trong lành và vô cùng tĩnh lặng, tránh xa sự ồn ào, náo nhiệt, xô bồ nơi thành thị.
Đảo Trần: Đảo Trần theo địa giới hành chính thuộc xã Thanh Lân của huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh. Thôn Đảo Trần, xã Thanh Lân, huyện Cô Tô được thành lập có diện tích tự nhiên 556ha với hơn 50 nhân khẩu. Về ranh giới, thôn Đảo Trần có phía Đông giáp đường phân định Vịnh Bắc Bộ, phía Tây và phía Bắc giáp vùng biển xã Vĩnh Thực, TP Móng Cái, phía Nam giáp vùng biển thuộc thôn 3, xã Thanh Lân, là đảo xa nhất của quần đảo Cô Tô về phía Đông Bắc, gần đường phân giới vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc nhất (cách đường phân định vịnh Bắc Bộ chỉ 10 hải lý). Ngày 28/3/1996, Chính phủ ban hành Nghị định số 66/NĐ-CP giao đảo Trần từ huyện Hải Ninh về huyện đảo Cô Tô. Ngày 02/9/2020, tại đảo Trần (huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh), công trình cấp điện lưới quốc gia cho đảo Trần đã được khánh thành. Đây là một trong 10 công trình được tỉnh Quảng Ninh lựa chọn gắn biển chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Mặc dù chỉ có diện tích nhỏ nhưng đảo Trần có vị trí hết sức quan trọng, thực sự là một chốt tiền tiêu án ngữ cửa ngõ của Tổ quốc không chỉ trong công tác phòng thủ, an ninh quốc phòng mà còn là một phần nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong các hệ thống đảo và vùng biển Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng.
 * Hải Đăng Cô Tô: Hải đăng Cô Tô được tọa lạc trên một ngọn núi cao hùng vĩ cách thị trấn chừng 5 km và đây chính là điểm cao nhất của đảo. Hải đăng Cô Tô được xây dựng từ cuối thế kỷ 19. Ngọn hải đăng Cô Tô cũng thực hiện nghĩa vụ như biết bao ngọn hải đăng khác đó chính là để đánh dấu các đường biển hay bãi cạn nguy hiểm, và đánh dấu các lối an toàn vào cảng. Ngoài ra ngọn hải đăng có thể hỗ trợ việc định hướng của các máy bay. 
        Để đến được ngọn hải đăng du khách sẽ phải leo lên 72 bậc thang xoáy chuông ốc. Khi lên đến đỉnh ngọn hải đăng Cô Tô du khách có thể chiêm ngưỡng được hoàng hôn đẹp ngây ngất với phong cảnh tuyệt đẹp giữa bốn bề là biển xanh ngắt, ở gần là núi cao hùng vĩ, xa xa là đảo, xa hơn nữa đó chính là đất liền -  nơi mà có những dãy núi thiên nhiên tạo ra một cách khéo léo uốn lượn hệt như một con rồng uy nghiêm. Đứng trên đỉnh Hải Đăng chúng ta mới cảm nhận được cái sự rộng dài của biển đảo Cô Tô. Một không gian bình yên, thơ mộng để giúp ta quên hết mọi sự muộn phiền hay cái nhịp sống vội vã thường nhật hàng ngày.
         Huyện đảo xinh đẹp Cô Tô ngoài nét hoang sơ, lãng mạn của biển ngọc tinh khôi, còn tự hào có ngọn hải đăng - “con mắt biển đêm” dẫn đường cho bao lượt tàu thuyền qua lại vùng biển Đông Bắc Tổ quốc. Với vị trí quan trọng của mình, ngọn hải đăng Cô Tô như một nét chấm phá, là điểm đến lý tưởng trong tour du lịch đến với hòn Đảo ngọc Cô Tô.
 
* Bãi đá Móng Rồng: Nằm ở phía nam đảo Cô Tô cách trung tâm 3km. Cầu Mỵ có hệ thống đá đẹp nhất trên đảo Cô Tô. Là nơi tuyệt đẹp để tìm kiếm những bức hình để đời và rất thích hợp để có một album ảnh cưới độc đáo. Là nơi đón ánh nắng mặt trời đầu tiên trong ngày.
*Bãi biển tình yêu: Nằm trong trung tâm thị trấn, ngay cạnh con đường tình yêu và tượng đài Bác Hồ. Là nơi thích hợp tổ chức tiệc nướng BBQ và tổ chức văn nghệ buổi tối.
* Bãi tắm Du lịchVàn Chảy: Cách trung tâm thị trấn 6km. Là một trong những bãi tắm đẹp nhất của đảo Cô Tô, với bãi cát dài, mịn và những đợt sóng to. Thích hợp chơi các trò chơi thể thao bãi biển, nghịch sóng, ngắm sóng vỗ.
* Bãi biển Hồng Vàn: Bãi biển Hồng Vàn là một trong những bãi biển đẹp và thơ mộng nhất Cô Tô. Cách Trung tâm thị trấn 7km, tách biệt khỏi khu dân cư, với bãi cát trải dài, biển lặng, an toàn, bãi biển Hồng Vàn thuộc thôn Hồng Hải, xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô, đang trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách khi du lịch đảo Cô Tô. Bãi biển có bãi cát trắng mịn với làn nước trong xanh như pha lê. Những bông hoa bằng lăng tím ngắt ở đây khiến bãi biển Hồng Vàn trở nên lãng mạn hơn rất nhiều. Đến với bãi biển Hồng Vàn, dù ngày hay đêm, du khách cũng sẽ có những trải nghiệm đáng nhớ. Vào ban ngày, nước biển xanh như ngọc bích, nắng vàng trải dài trên bãi cát trấng mịn. Và khi màn đêm buông xuống, biển lộng gió, mát lạnh, lãng mạn vô cùng.
* Rừng cây Chõi nguyên sinh: Những con đường rợp bóng cây xanh trên khắp nẻo đường khám phá Cô Tô, cùng rảo bước hoặc đi xe máy trên con đường rợp bóng cây xanh trên đảo Cô Tô là điều rất thú vị đối với khách du lịch.
* Cảng Bắc Vàn: Là nơi có thể ngắm trời biển trong xanh, nhìn từng viên đá nhỏ dưới tận đáy biển, đây cũng chính là bến tàu ra đảo Cô Tô con, đảo Cá Chép.
* Đảo Cô Tô Con: Nơi sở hữu bãi biển đẹp nhất Cô Tô với cánh rừng nguyên sinh chứa đựng nhiều loài động vật quý hiếm, trong lòng biển chứa nhiều rặng san hô tuyệt đẹp. Là nơi du khách không thể bỏ qua nếu đặt chân lên Cô Tô.
Tới đây các bạn có thể thử cảm giác ngủ lều trên bãi biển, một cảm giác rất thú vị cho những ai ưa cảm giác mới lạ.
* Đảo Cá Chép con:  Hòn Cá Chép là một hòn đảo nhỏ, còn lưu giữ nguyên vẹn vẻ đẹp hoang sơ, thu hút bất cứ du khách nào khi đặt chân tới. Từ trung tâm đảo Cô Tô, du khách mất chừng 10-15 phút đi đò, 5-7 phút đi cano từ cảng Bắc Vàn đến để đảo Cá Chép. Từ đây, du khách có thể thu vào tầm mắt mình hòn Cô Tô con và xa xa là hòn Cá Chép trong ngày đẹp trời. Hòn Cá Chép chính là một đảo nhỏ, nằm ngay sau Cô Tô con, chếch phía Đông Bắc xã Đồng Tiến. Từ cảng Bắc Vàn tới hòn Cá Chép không xa lắm, chỉ chừng 2km. Nhìn từ xa hoặc từ trên cao, đều dễ dàng nhận ra hòn Cá Chép như một đảo xanh, yên bình với các bãi cát vàng trải dài, làn nước trong xanh, ánh nắng long lanh tận đáy, nhìn từ xa hòn Cá Chép giống như con báo (beo) đang nằm nghỉ ngơi. Quả thật, Cá Chép là hòn đảo thú vị, bốn bề đều có cảnh quan tuyệt đẹp. Đến với hòn Cá Chép, bạn như lạc vào một thế giới khác. Bãi biển hoang sơ, không đông đúc với vẻ đẹp hoang dại, một chút mơ màng vô cùng quyến rũ.
V. Đặc Sản ẩm thực mang thương hiệu của Cô Tô
Các vùng biển của huyện đảo đa số là nước sâu, mặn hơn các vùng biển khác của Quảng Ninh. Đặc biệt, huyện đảo ít chịu ảnh hưởng của tác động môi trường cũng như con người ngoài đất liền. Do đó sản sinh ra các loại Hải Sản chất lượng cao, sạch 100%, vị ngọt đậm đà, vị dai và hương vị biển rõ rệt trong từng món ăn. Hiện nay, các loại hải sản tại huyện đảo này hoàn toàn được đánh bắt tự nhiên.
- Mực  Cô Tô - “Thương hiệu mực số 1 của Việt Nam ”: Mực ống Cô Tô có thân thẳng, mình dày, đậm đà vị biển. Sau khi nướng lên, từng thớ thịt được xé ra dẻo, thơm, dai, khi ăn ta có thể cảm nhận được vị ngọt ngon của đạm, vị đậm đà của biển và vị thanh thanh của loài mực Cô Tô. Đó là lý do, mà ai đến Cô Tô cũng đều mong muốn được thưởngthức hương vị này. Hương vị đặc trưng của sản phẩm mực khô và mực một nắng Cô Tô từ lâu đã nổi tiếng nhờ nguồn nguyên liệu tươi ngon tại vùng biển có điều kiện tự nhiên thuận lợi, lại được chế biến tại chỗ theo phương pháp riêng với bàn tay khéo léo, lành nghề của người địa phương tất cả tạo nên một hương vị đặc trưng cho sản phẩm mực khô và mực một nắng Cô Tô. 
- Cá biển Cô Tô  -  “Đặc sản giàu dinh dưỡng”:
+ Cá song Cô Tô: hay còn gọi là Cá mú trân châu là dòng thịt ngọt nhất so với các cá khác. Màu sắc da đẹp sáng. Cá thịt chắc dai ngọt, tự nhiên khá hiếm nên  rất nhiều người muốn thưởng thức bởi cá song có chất dinh dưỡng cao và hương vị thơm ngon rất cuốn hút. Cá song biển có thể chế biến được nhiều món ăn bổ dưỡng như: gỏi cá song, cá song hấp xì dầu, cá song nấu canh chua, lẩu cá song, cháo cá song…
+ Cá thu một nắng Cô Tô: là sản phẩm quen thuộc được nhiều người yêu thích bởi hương vị và giá trị dinh dưỡng mang lại. Nguồn đạm, chất béo, vitamin… trong cá thu rất bổ dưỡng đối với sức khỏe của mọi người, từ người già, trẻ em, phụ nữ mang thai và phụ nữ trong thời gian sau khi sinh. Cá Thu một nắng có thể rán, sốt cà chua là món ăn rất hấp dẫn trong mỗi bữa cơm.
+ Cá đục một nắng Cô Tô: được thu mua vào vụ cuối năm (từ tháng 10 âm lịch tới tháng Giêng năm sau), thời điểm cá đục nhiều, béo và ngon hơn cả. Để có sản phẩm cá đục một nắng ngon, người chế biến thường cẩn thận từ khâu nhập nguyên liệu ban đầu cho tới lúc chế biến. Cá thu mua phải đảm bảo tươi xanh, chọn cá có kích thước đồng đều, thân dài 15-20cm...  Sau đó, cá được sơ chế ngâm muối rồi rửa sạch mang đi phơi nắng.
Ngoài ra Cô Tô phải kể đến nhiều loại cá như cá nhồng, các cháp, cá ngừ, cá dìa, cái mối, cá chai, cá thác, cá mú...
- Tôm Cô Tô – “ Top 10 tôm biển ngon nhất Việt Nam”: Tôm Cô Tô hoàn toàn được đánh bắt tự nhiên tại ngư trường huyện đảo Cô Tô. Hòn đảo nằm biệt lập, xa đất liền với môi trường tự nhiên xanh - sạch hiếm có …. Nước vùng biển cô tô có độ mặn cao, trong sạch nên tôm tại đây có chất lượng bậc nhất, thường xuyên lọt vào top 10 tôm biển ngon nhất Việt Nam. 
- Bề bề Cô Tô– “Món hải sản không nên bỏ qua”: Bề Bề hay gọi là tôm tít, bọ ngựa biển, tôm thuyền, tôm búa,.. Đây là món hải sản không nên bỏ qua khi đến Cô Tô. Bề bề không chỉ có thịt thơm ngon mà còn cung cấp dinh dưỡng rất tốt. Thịt bề bề có chứa nhiều chất dinh dưỡng như Vitamin A, Vitamin B1, Chất sắt, Hàm lượng Omega 3 và Omega 6 tốt cho hệ miễn dịch. Thịt Bề bề dai, chắc thịt và rất ngọt nên chế biến được nhiều món ăn khác nhau như: nướng, hấp, rang muối, rang me.. tất cả đều vô cùng hấp dẫn.
- Hải sâm Cô Tô “Nhân sâm của biển”: Cô Tô có ngư trường rộng lớn, nên việc nuôi hải sâm rất thuận lợi đã cung cấp một số lượng hải sâm lớn cho ẩm thực của Cô Tô, có rất nhiều loài Hải sâm quý như Hải sâm đen, Hải sâm trắng, Hải sâm vàng...Hải sâm không chỉ có hương vị thơm ngon mà còn có giá trị dinh dưỡng vô cùng lớn. Hải sâm bắt về làm sạch, sau đó ngâm phèn chua, để khô nước, đem thái nhỏ. Hải sâm có thể chế biến thành rất nhiều món ăn như: xào với cần tây, xào với nấm, xào các loại rau: bắp cải, rau củ,.. hay các món canh, hầm… Hải sâm rất hữu ích cho sức khỏe,phòng được bệnh sỏi thận,suy nhược cơ thể,bổ âm tráng dương. 
- Cầu gai Cô Tô –“Món hải sản đáng thưởng thức”: Cầu gai là một loại hải sản có hương vị cực kỳ hấp dẫn, có giá trị dinh dưỡng rất cao, đem lại nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Cách chế biến cầu gai cũng rất phong phú. Đặc biệt cầu gai có thể ăn sống cho một ít mù tạt và nước tương vào đánh lên rồi thưởng thức. Cầu gai không hề có vị tanh thay vào đó là vị béo, ngậy của trứng cầu gai cùng vị cay nồng của mù tạt sẽ nên hương vị vô cùng khó quên. Bên cạnh đó cầu gai còn được nướng mỡ hành béo ngậy thơm phức hoặc nấu cháo cung cấp lượng canxi lớn cho cơ thể.
 
- Bào ngư Cô Tô – “Cực phẩm của biển”: Bào ngư thuộc loại hải sản quý, là một trong tám món ăn tuyệt phẩm gọi là “bát trân”, là một món ăn vương giả vì vậy Bào ngư rất hiếm và có giá trị cao. Thịt Bào ngư không những ngon mà còn mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng. Bào ngư phân bố không nhiều, chủ yếu ở Cô Tô nhưng diện phân bố khá nhỏ hẹp. Bào ngư thường được chế biến thành nhiều món như: nấu canh, hầm,xào, nấu cháo hoặc kết hợp với các nguyên liệu khác như: bào ngư hầm nấm đông cô, bào ngư bông cải sốt dầu hào, bào ngư hầm nấm và thịt nạc heo, bào ngư hầm cháo bồ câu… đều mang hương vị rất hấp dẫn.
- Cơ trai Cô Tô – “Món hải sản đầy quyến rũ”: Cơ trai hay còn gọi là cồi mai, dậu mai - món đặc sản của vùng biển Cô Tô. Cơ trai thực chất là phần cơ thịt giúp cho phần vỏ đóng mở hoặc chuyển động linh hoạt của con trai. Vì thế mà nhiều người vẫn gọi vui đây là phần tinh túy, "cơ bắp" rất rắn, chắc mà lại ngọt và thơm ngon. Thông thường cơ trai có hai loại với màu sắc và kích thước khác nhau. Đó là cơ trai màu trắng ngà và cơ trai màu hồng. Cơ trai màu hồng lấy từ con hà gai, loại nhuyễn thể giống con hàu nhưng có kích thước rất lớn. Cơ trai màu trắng, có kích thước to hơn được lấy từ con bàn mai. Loại cơ trai này đắt và có hương vị thơm ngon, mềm hơn.  Rất nhiều món ăn ngon làm từ cơ trai như : Hấp, chiên giòn, nấu cháo, nấu canh, xào, nộm ... món nào cũng tuyệt vời luôn.
- Ốc móng tay Cô Tô- “Món hải sản không thể chối từ”: Cô Tô là nơi sinh sống của nhiều loài ốc biển như: ốc móng tay, ốc mỡ, ốc gai…. Trong đó, ốc ngón tay là một động vật thân mềm có 2 mảnh vỏ, thường được gọi là ốc mã đao. Đây là một loại thực phẩm bổ dưỡng, tính mát, được dùng trị nhiều loại bệnh. Thịt của ốc móng tay có vị ngọt, dai giòn và chứa nhiều khoáng chất như sắt,canxi. Ốc móng tay được chế biến thành nhiều món ăn thơm ngon như: luộc, hấp và chấm với nước mắt ớt-tương ớt và ăn kèm với các loại rau thơm, ốc móng tay xào rau răm, xào me, xào dứa, xào tía tô, xào rau muống, gỏi ốc móng tay sứa, ốc móng tay trộn chua cay, ốc móng tay sốt cá trích, ốc móng tay nấu canh bầu, gỏi ốc móng tay kiểu Thái,…
- Tu hài Cô Tô - “Món hải sản đừng quên”: Tu Hài hay còn gọi là Ốc vòi voi là một đặc sản của Đảo Cô Tô. Tu hài chủ yếu được chế biến theo kiểu wasabi, nướng, sốt hoặc nấu cháo. Tu hài mang hương vị thơm ngon, có vị ngọt thanh mát và thịt mềm nhưng giòn rất ngon miệng.
- Sá Sùng Cô Tô – “Vàng của biển đảo”: Sá sùng là một trong những hải sản quý hiếm, nhìn thoáng qua sá sùng như những con giun, sâu hồng hồng. Nhưng sá sùng có hương vị rất ngon và bổ dưỡng. Sá sùng thường được sử dụng cả lúc còn tươi (nấu canh, xáo) hay khô (rang) đếu rất ngon. Vì vậy giá của sá sùng rất đắt: 1 kg sá sùng khô thường có giá trị tương đương 1 chỉ vàng. Tuy nhiên chế biến sá sùng phải có kỹ thuật nếu không sẽ có rất nhiều cát do vậy thường chỉ những người dân biển mới hay sử dụng sá sùng. Sá sùng có vị ngọt tự nhiên, nên khi chế biến không cần thêm đường, bột ngọt. Một chút muối dằn hương vị là đủ làm sá sùng tăng vị đậm đà. Sá sùng khô nướng bằng cồn rồi ăn như mực khô, chấm với tương ớt. Loại này cũng có thể chiên giòn và dùng thay cho tôm khô khi nấu canh. Sá sùng tươi thì xào, chiên, làm một món trong bữa cơm hàng ngày cũng rất tuyệt.
- Cù kỳ Cô Tô - “Món hải sản khiến bạn muốn đến Cô Tô ngay lập tức”: Cái tên nghe lạ tai, “kỳ cục” này thực chất là một đặc sản quen thuộc của người dân đảo Cô Tô. Cù kỳ trông rất giống cua, điểm khác nhau cơ bản là cù kỳ có chiếc càng “khủng” với lớp vỏ vô cùng cứng. Cù kỳ thường được bắt tại các hốc đá gần bãi biển khi thủy triều rút. Cù kỳ được ưa chuộng vì có cặp càng nhiều thịt khi nướng lên sẽ có hương thơm làm lung lay vị giác của bất kỳ thực khách khó tính nhất. Phần thân Cù kỳ sẽ được bóc lấy thịt xào với miến là món ăn yêu thích của người dân Quảng Ninh.
- Ghẹ biển Cô Tô - “Ngon khó quên”: Ghẹ hay còn gọi là ghẹ biển được chế biến thành nhiều món ăn ngon, hai món thông dụng nhất được mọi người chế biến là ghẹ hấp và ghẹ nướng. Đã ăn ghẹ một lần, thì khó mà quên được: màu đỏ cam rất bắt mắt, thịt ghẹ trắng phau, tươi ngon, mùi thơm thoang thoảng dậy lên. Về dinh dưỡng thì ghẹ là thực phẩm khá tốt cho sức khoẻ: giàu canxi, protein và đặc biệt không có cholesterol.
- Sam biển Cô Tô - “Ăn là ghiền”: Sam biển được biết tới là một món đặc sản rất đặc biệt, chỉ cần ăn một lần là nhớ cả đời. Câu nói tương truyền trong dân gian: “Dính lấy nhau như sam” nên bắt sam biển người ta sẽ hạn chế bắt lẻ. Chúng thường đi theo đôi nên khi bắt được một con người ta thường thả đi. Để có được những món sam ngon phải có kỹ năng và là người đi biển lâu năm mới được. Sau khi sơ chế sạch, sam sẽ được chế biến thành nhiều món ăn ngon như: sụn sam nướng, sam rán, sam xào miến, sam xào xả ớt,... Trong quá trình nấu phải kết hợp hài hòa các gia vị với nhau để món sam được trọn vị nhất. Mùa Sam kéo dài từ tháng 10 đến tháng 2 âm lịch hàng năm.
- Sứa Biển Cô Tô – “Vàng Trắng Cô Tô”: Sứa là một đặc sản nổi tiếng của Cô Tô, được coi là “vàng trắng” của hòn đảo xinh đẹp này. Sứa Cô Tô chủ yếu được chế biến thành món nộm sứa, còn gọi là gỏi sứa. Nộm sứa Cô Tô ăn giòn, mát và có mùi vị không giống bất kỳ thứ hải sản nào khác, lại rất tốt cho đường ruột. Mỗi năm, mùa sứa chỉ kéo dài nhiều nhất 20 ngày, từ tháng 2 tới cuối tháng 4 dương lịch. Nếu có dịp đến du lịch Cô Tô vào mùa sứa, du khách đừng quên khám phá món ẩm thực đặc biệt này.
- Sản phẩm OCOP Cô Tô: Mực lá tươi Cô Tô; Mực lá Cô Tô 1 nắng; Mực ống Cô Tô một nắng; Mực ống Cô Tô khô; Mực ống Cô Tô đông lạnh; Cá đục Cô Tô khô; Cá đục Cô Tô 1 nắng; Cá duội Cô Tô; Cá kìm Cô Tô khô; Cá nhồng Cô Tô một nắng; Cá thu Cô Tô một nắng; Cá mối Cô Tô; Cá mỏ lết Cô Tô một nắng; Cá Dóc Cô Tô một nắng; Cá kìm cờ Cô Tô một nắng; Cá chỉ vàng Cô Tô; Cá man hồng Cô Tô một nắng; Cá ngựa Cô Tô đông lạnh; Bào ngư Cô Tô; Hải sâm Cô Tô; Cơ trai Cô Tô; Cơ trai Cô Tô đông lạnh; Cơ trai một nắng; Sá sùng khô Cô Tô; Tôm bóc nõn Cô Tô tươi; Tôm nõn Cô Tô một nắng; Tôm nõn khô Cô Tô
 
Các số điện thoại cần thiết khi du lịch Cô Tô
 
Ủy ban nhân dân huyện Cô Tô 0203 3889416
Quản lý các dịch vụ du lịch 0203 3889314 – 0163 8107888 – 0165 3337590
Công an huyện Cô Tô 0203 3889226 – 0203 3500017
 Du lịch Cô Tô dường như là cách tuyệt vời để tận hưởng những giá trị của biển đảo Việt Nam của tất cả mọi người!