Cô Tô xanh, sạch để lòng khách say

01/12/2023

 

Cô Tô quyết tâm phát triển sản phẩm du lịch theo định hướng bền vững, lâu dài, bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và quốc phòng an ninh vùng Đông Bắc Tổ quốc. Tạp chí Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Việt Dũng - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Cô Tô về việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn, giữ gìn môi trường và bản sắc văn hóa.

 

Từ một huyện đảo nghèo, khó khăn nhất cả nước, sau gần 30 năm, Cô Tô hôm nay đã khoác lên mình một diện mạo mới, trù phú, giàu đẹp hơn. Điều gì đã giúp Cô Tô có bước phát triển vượt bậc như vậy, thưa ông?Được thành lập ngày 23/3/1994, Cô Tô nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh, là một huyện đảo xa bờ trong số 12 huyện đảo của cả nước. Huyện Cô Tô cũng là nơi duy nhất trong cả nước được phép dựng tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo khi Người còn sống. Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô - nơi Người đặt chân tới thăm vào ngày 09/5/1961 được Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt vào đầu năm 2022. 

Ông Nguyễn Việt Dũng (Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện Cô Tô)

Ông Nguyễn Việt Dũng(Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện Cô Tô)

Huyện Cô Tô có 74 đảo và cồn, trong đó có 3 đảo lớn có dân sinh sống là đảo Cô Tô Lớn, đảo Thanh Lân và đảo Trần. Đảo Trần được ví như Trường Sa của vùng biển Đông Bắc, “cả nước có Trường Sa, Quân khu 3 có đảo Trần”, khẳng định vị trí vai trò là “phên dậu” quốc gia, cũng như nói lên những tình cảm ấm áp và sự quan tâm động viên về mọi mặt của cả nước dành cho đảo Trần và cho huyện đảo Cô Tô.

Sau gần 30 năm xây dựng và phát triển, Cô Tô hôm nay đã khoác lên mình một diện mạo mới, trù phú, giàu đẹp hơn và trở thành đảo Ngọc ở vùng Đông Bắc. Đó là nhờ sự quan tâm của Đảng, nhà nước và tỉnh Quảng Ninh, sự giúp đỡ, phối hợp của các sở, ban, ngành và các địa phương; cùng với ý chí, tự lực, tự cường quyết tâm vượt khó vươn lên của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo bên cạnh những lợi thế sẵn có về tài nguyên du lịch, văn hóa lịch sử, con người và hệ thống giao thông kết nối ngày càng được cải thiện…

 

Trước đây, Cô Tô là huyện đảo nghèo, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn: không có điện, thiếu nước ngọt, giao thông đi lại cách trở. Sự kiện đóng điện lưới quốc gia ra đảo Cô Tô Lớn (16/10/2013), đảo Thanh Lân (31/12/2013), đảo Trần (02/9/2020); cùng việc đầu tư xây dựng đồng bộ các công trình lưỡng dụng như: các hồ chứa nước ngọt trên các đảo, hạ tầng giao thông, y tế, văn hóa, giáo dục; đầu tư các phương tiện cao tốc rút ngắn thời gian di chuyển từ đất liền ra Cô Tô còn 1,5 giờ.

 

 

Nhờ vậy, kinh tế - xã hội của huyện phát triển mạnh mẽ; bộ mặt, diện mạo, hình ảnh của Cô Tô đã thay đổi từng ngày và góp phần quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Cô Tô là huyện đảo nông thôn mới đầu tiên trong cả nước (2015) và cơ bản đạt huyện nông thôn mới nâng cao theo bộ tiêu chí mới năm 2022. 

Nhờ sự phát triển của du lịch, đời sống vật chất và tinh thần của người dân Cô Tô đã được nâng lên vượt bậc. Thu nhập của người dân tăng lên đáng kể, chất lượng dịch vụ như giải trí, ẩm thực, y tế, văn hóa, môi trường được cải thiện, nâng cao. Các hoạt động văn hóa xã hội như câu lạc bộ thơ, văn, các khu vui chơi giải trí, các hoạt động văn nghệ, thể thao lành mạnh ngày càng phát triển; các cơ sở tín ngưỡng, tâm linh của người dân được đáp ứng đầy đủ. Cuộc sống của người dân Cô Tô có mức sống cao so với mặt bằng chung của người dân khu vực thành thị tại các thành phố lớn. 

Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người ước đạt trên 5.300 USD (130 triệu đồng/người). Du lịch, dịch vụ phát triển và giữ vai trò chủ đạo, chiếm gần 70% cơ cấu kinh tế của huyện. Năm 2023, Cô Tô đón trên 320.000 khách với thời gian lưu trú trên 600.000 lượt ngày, doanh thu ước đạt trên 800 tỉ đồng. Cô Tô đang nỗ lực, phấn đấu thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững, bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; giữ vững mục tiêu 5 không "không còn hộ nghèo; không người ăn xin, không ma túy, không trộm cắp, không tệ nạn xã hội".

 

Hiện nay, Cô Tô có những sản phẩm du lịch nào đặc biệt thu hút du khách trong và ngoài nước?Cô Tô hiện nay đang tập trung phát triển hệ thống sản phẩm du lịch biển đảo có khả năng cạnh tranh với các khu du lịch tương đồng, đặc biệt về nghỉ dưỡng biển, đảo, tham quan thắng cảnh biển đảo, các hoạt động thể thao giải trí trên biển (lặn biển ngắm san hô); trải nghiệm sinh thái cộng đồng cùng ngư dân…

 

 

 

 

Trong chiến lược phát triển bền vững, huyện Cô Tô đã xây dựng quy hoạch đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 phát triển trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, đặc sắc về văn hóa, sinh thái biển, đảo của Quảng Ninh và vùng ven biển vịnh Bắc Bộ. Liên kết với Cẩm Phả, Vân Đồn trở thành vùng du lịch Bái Tử Long - Vân Đồn Cô Tô - một trong hai điểm đột phá về du lịch của Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2030; kết nối chặt chẽ với Vân Đồn, Hạ Long, Móng Cái để tạo ra một chuỗi sản phẩm du lịch biển đảo cao cấp, độc đáo, khác biệt. Từng bước xây dựng Cô Tô trở thành một tổ hợp dịch vụ du lịch biển đảo phát triển du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh, tâm linh, sinh thái, vui chơi giải trí trên biển, là nơi phát huy và bảo tồn được giá trị sinh thái hệ thống đảo một cách bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và quốc phòng an ninh nơi Đông Bắc Tổ quốc.

 

Sức chứa du lịch là yếu tố quan trọng trong chính sách phát triển du lịch bền vững của một điểm đến bất kì. Kết quả từ sức chứa dự báo cụ thể những tác động du lịch đối với môi trường tự nhiên và dự báo về vòng đời của điểm đến. Hiện chúng tôi đang tính toán cụ thể và khách quan về sức chứa du lịch của Cô Tô đồng thời tìm ra những giải pháp phân bố luồng khách du lịch trải đều quanh năm. 

Bên cạnh đó, huyện cũng đang quan tâm đầu tư nhà máy xử lí rác thải, hệ thống xử lí nước thải và các hoạt động bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh nguồn nước, hạ tầng giao thông, đầu tư các bãi đỗ xe, nhà chờ cho hành khách, hệ thống nhà vệ sinh công cộng, đầu tư cải thiện, trùng tu di tích, dịch vụ ẩm thực và lưu trú nhằm đáp ứng tốt hơn những nhu cầu của khách du lịch. Đó cũng là những động lực chính để du khách đến Cô Tô và đến nhiều lần hơn nữa.

 

Có một vấn đề nhức nhối là nhiều điểm du lịch nổi tiếng ở nước ta hiện nay chạy đua phát triển quá nóng và dần đánh mất đi bản sắc của chính mình. Theo ông, Cô Tô cần làm gì để tránh đi vào vết xe đổ này?

Một vấn đề bất cập đối với các khu du lịch của chúng ta là doanh nghiệp vẫn đặt lợi ích của giá trị bất động sản du lịch hơn là tạo ra những giá trị để du khách trải nghiệm, hướng tới phát triển du lịch bền vững. Các khu du lịch dần mất đi vẻ nguyên sơ, yên bình và bản sắc văn hóa. Trên thực tế, một số điểm du lịch nổi tiếng của nước ta đang phải "trả giá" vì điều đó. 

 

 

Là những người đi sau nên chúng tôi cũng rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho chính mình. Phát triển du lịch biển đảo Cô Tô trong xu hướng hiện nay là khuyến khích du khách đến với biển xanh, cát trắng, nắng vàng cùng trải nghiệm văn hóa, ẩm thực và con người. Với quan điểm nhất quán và xuyên suốt, thay vì thu hút thật nhiều khách, chúng tôi quyết tâm phát triển sản phẩm du lịch theo định hướng bền vững, lâu dài, có tầm nhìn dài hạn, phù hợp với các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển du lịch của Cô Tô, phát triển đồng bộ về kinh tế - xã hội, du lịch gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh. Chúng tôi phát triển du lịch Cô Tô trên nền tảng tăng trưởng xanh, bền vững, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển, rừng độc đáo, khác biệt trên đảo; bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Đồng thời, chúng tôi coi trọng giữ gìn các giá trị, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa đa dạng và đặc sắc của Cô Tô; hỗ trợ người dân Cô Tô tham gia hoạt động du lịch, nâng cao sinh kế, quyền tham gia, làm chủ, quyền được hưởng lợi của người dân địa phương để họ yên tâm sinh sống lâu dài, góp phần giữ gìn và bảo vệ chủ quyền trên biển của Tổ quốc. 

 

 

 

Một điều thú vị, dù là một huyện đảo xa xôi nhưng ngành du lịch Cô Tô đang đi trước, đón đầu các xu thế công nghệ trong quản lí, vận hành các dịch vụ du lịch. Cô Tô làm như thế nào để có được kết quả này, thưa ông?

Từ một huyện đảo khó khăn nhất nước, nay Cô Tô đã được đông đảo du khách trong và ngoài nước biết đến, mang bóng dáng của một đô thị biển hiện đại. Trong quy hoạch chung xây dựng khu du lịch huyện đảo đến năm 2040, địa phương cũng đặt mục tiêu trở thành khu du lịch chất lượng cao, thành phố biển thông minh. 

Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, trong thời gian qua, huyện Cô Tô đã tập trung phát triển du lịch thông minh để nâng cao năng lực, hiệu quả quản lí nhà nước về du lịch, bám sát phương châm "doanh nghiệp và người dân là chủ thể, khách du lịch là trung tâm, sản phẩm và hạ tầng là nền tảng, dịch vụ tiên tiến, hiện đại là động lực", góp phần thông tin, tuyên truyền, quảng bá để thu hút ngày càng nhiều khách đến Cô Tô, thúc đẩy gia tăng khách du lịch.

 

 

 

 

Chúng tôi cũng đã lựa chọn các điểm du lịch để số hóa 100% dữ liệu và đang triển khai mô hình du lịch thực tại ảo nhằm thu hút khách quan tâm, mô hình kinh doanh du lịch trên nền tảng công nghệ (WEBGIS) nhằm thúc đẩy phát triển du lịch và phát triển kinh tế số.

Để thúc đẩy chuyển đổi số gắn với phát triển du lịch bền vững, huyện Cô Tô tiếp tục triển khai đồng bộ việc số hóa toàn bộ dữ liệu ngành du lịch, triển khai thanh toán điện tử, quảng bá, xúc tiến du lịch trực tuyến, vận hành hệ thống du lịch thông minh; ứng dụng chuyển đổi số trong tổng hợp, thống kê, phân tích và quản lí môi trường kinh doanh du lịch một cách chặt chẽ hơn…

Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp du lịch cũng được vận động khai thác triệt để mạng lưới kinh doanh dựa vào ứng dụng công nghệ, từ đó quảng bá và thu hút dòng khách chi trả cao đến với Cô Tô. Người dân, du khách được hỗ trợ, khuyến khích sử dụng công nghệ để kết nối, lựa chọn, trải nghiệm toàn diện những ứng dụng chuyển đổi số mà địa phương đang thực hiện.

Chân thành cảm ơn ông!

 

 

 

Tin khác