Cô Tô - thành phố biển thông minh trong tương lai

04/03/2023

Trong quy hoạch chung xây dựng khu du lịch huyện đảo Cô Tô đến năm 2040, địa phương đang khát vọng xây dựng trở thành khu du lịch chất lượng cao, thành phố biển thông minh. Vậy cách làm của địa phương là gì?
 
Cô Tô - thành phố biển thông minh trong tương lai
Toàn cảnh huyện đảo Cô Tô
Được coi là “viên ngọc quý” vùng biển đảo Đông Bắc, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh có 30 hòn đảo lớn nhỏ, mang trong mình nhiều giá trị to lớn để phát triển du lịch biển đảo. Đặc biệt, trong quy hoạch chung xây dựng khu du lịch huyện đảo Cô Tô đến năm 2040, địa phương đang khát vọng xây dựng trở thành khu du lịch chất lượng cao, thành phố biển thông minh. Phóng viên Lao Động đã có cuộc phỏng vấn ông Đỗ Huy Thông - Phó Chủ tịch UBND huyện Cô Tô để tìm hiểu cách làm của địa phương nhằm đạt mục tiêu trên.
 
Ông Đỗ Huy Thông - Phó Chủ tịch UBND huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh.
- Ông nhận định như thế nào về những tiềm năng và cơ hội nổi trội của du lịch địa phương?
 
- Cô Tô là huyện đảo nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh được thành lập ngày 23.3.1994 theo Nghị định số 28/NĐ-CP Chính phủ, trên cơ sở tách 2 xã đảo Cô Tô và Thanh Lân của huyện Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.
 
Vùng biển Cô Tô có đa dạng sinh học với sự có mặt nhiều hệ sinh thái điển hình của vùng biển nhiệt đới trong đó có hệ sinh thái rạn san hô. Người dân Cô Tô hiền hòa, ẩm thực đa dạng, phong phú với các loại hải sản tự nhiên tươi ngon và giàu chất dinh dưỡng.
 
Những năm gần đây, đường cao tốc Hà Nội – Hạ Long, Hạ Long - Vân Đồn; Vân Đồn - Móng Cái; cùng với việc hoàn thành đưa vào cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Ao Tiên, cảng Vũng Đục, cảng khách quốc tế Tuần Châu, cảng tàu quốc Tế Hạ Long đã giúp Cô Tô kết nối với các trung tâm du lịch lớn trên cả nước thuận tiện hơn
 
Cùng với đó, ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp ngành du lịch Cô Tô đi trước đón đầu xu hướng, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong quản lý, vận hành các dịch vụ du lịch.
 
- Đứng từ góc độ quản lý địa phương, ông suy nghĩ như thế nào về kết quả đạt được của du lịch Cô Tô tính đến thời điểm hiện tại?
 
- Lượng khách du lịch đến Cô Tô từ khi Cô Tô được công nhận là khu du lịch cấp tỉnh theo Quyết định số 1288/QĐ-UBND ngày 28.4.2016 tăng hàng năm cả về số lượng khách và doanh thu. Chất lượng dịch vụ du lịch ngày càng nâng lên rõ rệt và du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm trên 60% trong cơ cấu ngành kinh tế của huyện, giải quyết nhu cầu việc làm trực tiếp và gián tiếp cho gần 2.500 lao động.
 

Từ 1.9.2022, UBND huyện Cô Tô bắt đầu thí điểm tuyên truyền, vận động nhân dân, khách du lịch không mang túi nilon, đồ nhựa dùng một lần và các vật dụng có khả năng gây ô nhiễm môi trường khi tham quan, du lịch tại Cô Tô. 

Tuy đã đạt được những kết quả tích cực, Cô Tô cũng cần phải tập trung khắc phục những hạn chế nhằm phát triển các sản phẩm du lịch mới đặc sắc, nổi trội, chất lượng cao như: Thu hút các nguồn lực đầu tư cho hạ tầng du lịch nhất là hạ tầng cảng tàu du lịch, bến thủy nội địa; khắc phục tính mùa vụ của du lịch Cô Tô...
 
 
Xây dựng các sản phẩm du lịch khác biệt
 
- Theo quy hoạch đến năm 2040, Cô Tô trở thành khu du lịch chất lượng cao, thành phố biển thông minh. Theo ông đây có phải là một mục tiêu vừa tầm với với địa phương?
 
- Ngày 7.7.2020, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có Quyết định số 2286/QĐ-UBND về việc phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng tỉ lệ 1/10.000 Huyện đảo Cô Tô đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Việc lập “Quy hoạch chung xây dựng tỉ lệ 1/10.000 Huyện đảo Cô Tô đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050” là cần thiết, để sớm hình thành một trọng điểm mới về du lịch sinh thái biển đảo, một cực phát triển mới của tỉnh Quảng Ninh cũng như khu vực biển đảo phía Đông Bắc của đất nước.
 
Và với những tiềm năng nổi trội, Cô Tô có cơ sở để trở thành khu du lịch chất lượng cao, thành phố biển thông minh với các sản phẩm, dịch vụ đa dạng và khác biệt, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao, góp phần tạo dựng và khẳng định thương hiệu du lịch Cô Tô.
 
Điều này cũng phù hợp với định hướng phát triển du lịch Việt Nam, đồng thời Cô Tô có thêm vận hội mới khi nằm trong tổng thể khu kinh tế Vân Đồn đang được Chính phủ quan tâm.
 

Khu neo đậu tránh trú bão huyện Cô Tô. 

- Để cụ thể hóa mục tiêu đó, địa phương đã xây dựng kế hoạch và tầm nhìn cụ thể ra sao trong ngắn hạn và dài hạn thưa ông?
 
- Đối với Cô Tô, cần rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển du lịch tại các vùng biển, đảo và lập kế hoạch phát triển từng đảo phù hợp với chủ trương, chính sách phát triển du lịch chung của tỉnh và quốc gia, đảm bảo nguyên tắc về chủ quyền vùng biển, đảo quốc gia và phát triển bền vững, theo hướng tăng trưởng xanh.
 
Trước mắt, tập trung đầu tư hạ tầng giao thông kết nối đa phương thức, kết nối liên vùng và khu vực, nghiên cứu đầu tư cầu cảng tàu khách quốc tế, bến đỗ cho thủy phi cơ chuyên biệt đảm bảo theo quy hoạch tổng thể; đầu tư phát triển khoa học và công nghệ biển gắn phát triển du lịch biển, ưu tiên lĩnh vực bảo tồn biển, tạo việc làm, sinh kế lâu dài, giảm nghèo bền vững cho người dân địa phương, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động du lịch.
 
Trong đó đặc biệt quan tâm bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái trên đảo; bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển; Giữ gìn các giá trị, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa đa dạng và đặc sắc của Cô Tô.
 
- Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn!

 

Tin khác