Kiến tạo văn hóa biển thúc đẩy phát triển kinh tế biển bền vững tại huyện đảo Cô Tô

24/03/2023
Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 22/10/2018 của BCH Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu quan điểm cần phải “Giữ gìn giá trị, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa biển”. Nghị quyết chủ trương cần phải phát triển du lịch và dịch vụ biển, trong đó có đề cập “Đa dạng hóa các sản phẩm... trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị di sản thiên nhiên, văn hoá, lịch sử đặc sắc của các vùng, miền”.
Quảng Ninh là địa phương mang “tính biển” rõ nét với 250km đường bờ biển, vùng lãnh hải rộng lớn với hơn 6.000km2 và trên 2.000 đảo lớn, nhỏ. Quảng Ninh không chỉ là nơi lưu giữ hệ thống di sản văn hóa biển đảo đa dạng, nằm trong tam giác kinh tế trọng điểm phía Bắc, mà còn đặc biệt gắn liền với chủ quyền biên giới, biển đảo của Tổ quốc.
Huyện đảo Cô Tô nằm trong vòng cung đảo gần bờ thuộc khu vực biển Đông Bắc, phía Đông tiếp giáp hải phận quốc tế với đường hải phận dài gần 100km, từ phía ngoài khơi đảo Trần đến đảo Bạch Long Vĩ; phía Bắc giáp đảo Cái Chiên (huyện Hải Hà), đảo Vĩnh Thực (TP Móng Cái); phía Nam giáp vùng biển đảo Bạch Long Vĩ (TP Hải Phòng); phía Tây giáp huyện Vân Đồn. Huyện có nhiều tiềm năng tài nguyên vị thế trong phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh - quốc phòng và hoạch định đường biên giới quốc gia trên biển. Nỗ lực tận dụng tiềm năng vị thế và kiến tạo văn hóa biển để phát triển bền vững kinh tế huyện đảo sẽ góp phần hoàn thiện và thúc đẩy vị thế trung tâm kinh tế “Năng động, toàn diện” của tỉnh Quảng Ninh.
ĐÁNH GIÁ TÀI NGUYÊN VỊ THẾ CỦA HUYỆN ĐẢO CÔ TÔ
* Địa bàn thuận lợi cho phát triển nhiều loại hình kinh tế dịch vụ biển
- Nghề cá và dịch vụ hậu cần nghề cá
 
Sinh vật biển của vùng biển Cô Tô khá đa dạng và phong phú, thuộc chủng quần vịnh Bắc Bộ, có hầu hết các giống loài ở vịnh Bắc Bộ với hơn 200 loài thực vật phù du, gồm 31 chi, 3 ngành tảo; gần 100 loài động vật phù du thuộc 2 giống của 4 nhóm vỏ giáp, chân chèo cùng đa dạng các loài động vật đáy...; trong đó có những loài có giá trị kinh tế cao, như bào ngư, ốc nón, hải sâm..., tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác và phát triển ngư nghiệp.
Vùng biển đảo Trần luôn có khoảng 60-80 thuyền đánh cá với hàng trăm ngư dân từ các địa phương trong tỉnh: Hải Hà, Vĩnh Thực, Móng Cái và nhiều tỉnh khác: Thái Bình, Thanh Hóa, Thừa thiên Huế, Quảng Ngãi,... đến khai thác và đánh bắt thủy sản. Thực tế đã đặt ra cho vùng biển, đảo nhiều yêu cầu dịch vụ, từ nơi trú đậu tránh gió bão, cung cấp xăng dầu, nước ngọt, lương thực, thực phẩm, ngư cụ, đến sửa chữa nhỏ, thu mua hải sản, bảo quản, chế biến, dịch vụ tài chính, y tế và cứu hộ cứu nạn.
- Dịch vụ du lịch và nghỉ dưỡng
Cô Tô còn giữ được vẻ nguyên sơ, thiên tạo của môi trường sinh thái nước, không khí trong lành, cấu tạo địa chất, địa mạo và địa hình dải bờ biển giàu hình ảnh với các bãi biển tự nhiên (Tình Yêu, Hồng Vàn, Vàn Chảy, Bắc Vàn, Cá Chép, Bảy Sao, Thanh Lân...) cùng những cánh rừng nguyên sinh thích hợp với du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển và trải nghiệm. Nằm ở vị trí ngoài khơi vịnh Bắc Bộ, các bãi biển trên đảo Cô Tô còn có đặc điểm độc đáo là sườn ngầm khá sâu, hệ sinh thái san hô đa dạng, thích hợp với loại hình câu cá, lặn biển du lịch. Đặc biệt với tính đa dạng sinh thái, vùng đảo Trần là một trong 16 khu bảo tồn biển của quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Phát triển hàng hải, giao thương quốc tế
Vịnh Bắc Bộ là một vùng biển phát triển kinh tế năng động với các lĩnh vực hàng hải, nghề cá, khai khoáng, du lịch và các dịch vụ khác. Thông qua vịnh Bắc Bộ là những tuyến đường hàng hải quan trọng của Bắc Việt Nam và Nam Trung Quốc với các nước trong khu vực và quốc tế, đặc biệt là từ cảng Hải Phòng (Việt Nam) và Bắc Hải (Trung Quốc); trong đó Cô Tô - đảo Trần có vai trò là cửa ngõ, là đảo án ngữ con đường hàng hải quốc tế quan trọng này. Trong không gian phát triển vùng, Cô Tô - đảo Trần có vai trò cửa ngõ, nhất là trong quá trình hợp tác một vành đai và hai hành lang được thực hiện từ năm 2005 ở 4 tỉnh của Trung Quốc là Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, Hải Nam và 5 tỉnh, thành của Việt Nam là Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Nội và Hải Phòng với tổng diện tích 869.000km2, dân số 184 triệu người. Các lĩnh vực hợp tác gồm thương mại, công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, khai thác tài nguyên, chế biến và điện lực... trong khuôn khổ khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc - ASEAN và hợp tác tiểu vùng Mê Kông.
Giá trị về đảm bảo AN-QP, chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển
- Cụm đảo Cô Tô - Thanh Lân: Cụm đảo bao quát vùng biển rộng lớn có thể kiểm tra, kiểm soát nhiều các tuyến đường thủy ra vào các bến cảng của Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên... Với địa hình thuận lợi cho phòng thủ (nhiều vũng vịnh, cửa biển, cao điểm, mũi đá, bến bãi), đảo Thanh Lân có bờ mài mòn vũng vịnh phát triển, có sườn Đông hẹp và dốc cùng với các đảo nhỏ lân cận tạo thành căn cứ quân sự liên hoàn, trở thành lá thép nhiều tầng, nhiều lớp chắn vững chắc bảo vệ lãnh hải và vùng nội thủy ven bờ Quảng Ninh - Hải Phòng.
- Cụm đảo Trần: Chính phủ Việt Nam ra tuyên bố về các vùng biển Việt Nam ngày 12/5/1977, quy định các đảo của Việt Nam đều có lãnh hải 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng. Tuyên bố này hoàn toàn phù hợp với nội dung của Công ước của Liên Hợp Quốc năm 1982 về Luật Biển, là các đảo có đời sống kinh tế riêng hoặc thích hợp cho con người đến ở đều có quyền có lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng. Thông qua nội dung Luật Biển Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 21/6/2012 và nội dung của Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày 25/12/2000, có thể thấy đảo Trần có giá trị to lớn và vững chắc về chủ quyền biển đảo của Việt Nam khi nằm cách đường phân định trên vịnh Bắc Bộ khoảng gần 7 hải lý. Việc giành được một vùng biển rộng đầy tiềm năng xung quanh đảo có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền, quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế đất nước. Do nằm gần sát đường phân định trên vịnh Bắc Bộ, đảo Trần tạo mối liên kết với các đảo Bạch Long Vĩ, Vĩnh Thực, Hạ Mai... thành vành đai kiểm soát đường biên giới, vùng đánh cá chung và vùng quá độ trên vịnh Bắc Bộ, nhằm phát hiện kịp thời các vi phạm và các tình huống đặc biệt hoặc khẩn cấp cần xử lý, góp phần khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên tinh thần hòa bình, hợp tác, hữu nghị.
PHÁT HUY GIÁ TRỊ CỦA DẤU ẤN BIỂN TRONG VĂN HÓA CÔ TÔ ĐỐI VỚI CÔNG CUỘC PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG KINH TẾ BIỂN
Khởi nguyên người Việt là những cư dân lấn biển, khai thác biển nên chất biển trong văn hóa Việt luôn hiện hữu. Biển gắn bó không ngừng với đời sống văn hóa của người Việt từ trong lịch sử đến hiện tại. Khoảng 10.000 năm trước, vào thời kỳ đồ đá giữa, cư dân Mongoloid từ Tây Tạng đã thiên di đến vùng phía Bắc Đông Dương, hỗn hôn với cư dân Melanesien bản địa tạo ra chủng Indonesien là tổ tiên của các dân tộc thuộc nhóm Mã Lai Đa đảo (Nam Đảo). Cơ tầng văn hóa biển đã được xây đắp từ thời lập quốc trong những câu chuyện dân gian của quá trình hình thành và phát triển của văn hóa dân tộc. Từ huyền thoại về thời lập quốc đến những ghi chép được tích lũy qua các thời đại đã tạo nên ý thức sâu sắc về biển, tư duy hướng biển, và cho thấy người Việt đã sớm gần gũi với biển, chinh phục biển, làm chủ biển khơi.
Cảnh hoàng hôn trên bãi biển Tình Yêu.
 
Theo ý kiến của nhà văn hóa Trần Ngọc Thêm, văn hóa biển được xem là văn hóa xét theo không gian và là khái niệm để chỉ sản phẩm văn hóa theo điều kiện sinh thái, phải thỏa mãn các yếu tố đặc trưng của văn hóa là: Tính hệ thống; Tính giá trị; Tính nhân sinh (“do con người sáng tạo ra”), cộng với đặc trưng riêng mang tính khu biệt là đặc trưng về không gian tồn tại (“lấy biển cả làm nguồn sống”) và đặc trưng định lượng của không gian tồn tại này là: Biển cả không chỉ là nguồn sống mà phải là “nguồn sống chính”.
 
Mẫu số chung của cư dân Cô Tô đều là những người biết làm nghề biển hoặc thích nghi được với cuộc sống ven biển di cư từ các vùng Thanh Hóa, Nghệ An và đồng bằng Bắc Bộ. Điều này vô hình chung đưa Cô Tô trở thành địa điểm giao thoa và tiếp biến văn hóa, hướng tới kết hợp và định diện dấu ấn văn hóa biển mới, tạo tiền đề cho việc kiến tạo và xây dựng nền văn hóa biển mang đặc tính của huyện đảo.
 
- Tính cố kết làng xã trong tổ chức cuộc sống ở trên bờ và khai thác tài nguyên biển
Cũng giống như đặc tính chung của làng Việt ở Bắc Bộ, sau năm 1979 cư dân Cô Tô tuy có nguồn gốc dân “kinh tế mới” được quần tụ từ 14 tỉnh ven biển trong cả nước; với đa dạng quê quán, vùng miền nhưng vẫn tụ cư theo quan hệ láng giềng kết hợp với quan hệ huyết thống, cộng đồng và hỗ trợ nhau trong tổ chức cuộc sống. Vì thế, huyện đảo hình thành các xóm, cụm dân cư tập trung tại từng khu vực theo quê quán như người Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình,... Tính cố kết giúp cư dân Cô Tô dễ thích nghi với môi trường mới sau di cư, từ đó hình thành và phát triển các loại hình sản xuất kinh tế mới (đánh bắt, thu mua, chế biến - hải sản...).
 
- Giao thoa tín ngưỡng, tôn giáo
Huyện đảo Cô Tô, nơi duy nhất trong cả nước được Bác cho phép kiến dựng tượng Người lúc sinh thời và Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 93-QĐ/TTg, ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ, đã trở thành “điểm thiêng” của huyện đảo; trở thành một dấu mốc lịch sử khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, đem đến cho cư dân đảo niềm tự hào, niềm tin và quyết tâm bám biển. Huyện đang chú trọng tôn tạo và thiết lập đa dạng các điểm sinh hoạt tâm linh, văn hóa như các khu tưởng niệm, chùa, nhà thờ,... (Cột cờ Ba Đình tỷ lệ 1:1, Chùa Trúc lâm Cô Tô, Nhà thờ Giáo xứ Cô Tô, Giáo họ Thanh Lân và Chùa Trúc lâm đảo Trần đang được thi công).
 
Đây được coi là giải pháp phù hợp, thiết yếu để đảm bảo môi trường tín ngưỡng, tôn giáo lành mạnh cho cư dân huyện đảo, đồng thời tạo nên các sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh mang bản sắc của nền văn hóa ngư - nông kết hợp nơi đảo tiền tiêu, biên giới, biển đảo. Mặc dù vậy, với đặc tính vùng biển đảo, huyện đảo Cô Tô hoàn toàn có thể phát triển, kiến tạo thêm các điểm tâm linh mang sắc thái văn hóa biển, như: Thờ các vị thần biển (Tứ vị Thánh nương, Cá Ông, Long Mã...) đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của cư dân đảo. Hiện trên đảo Cô Tô lớn có 4 điểm chôn cất và ban thờ nhỏ thờ Cá Ông: 2 điểm (một điểm 2 ban thờ, một điểm 4 ban thờ) ở bãi biển Tình Yêu, ven con đường mòn lát gạch ở giữa hai hàng phi lao ven bãi biển - nơi chôn cất 5 Ông cá; 1 điểm ở bãi biển Hồng Vàn; 1 điểm ở biển Nam Đồng. Tại đảo Thanh Lân có 1 điểm thờ Cá Ông đã được xây miếu nhỏ. Cá Ông hay Ông Nam Hải, Ông Chuông là một loài vật thiêng được ngư dân khắp vùng biển Bắc Bộ đến ven biển Nam Bộ thờ cúng, đó là chỗ dựa tinh thần, là nơi gửi gắm niềm tin của ngư dân lênh đênh trên biển trong gian khó, hiểm nguy.
 
Theo mô tả trong sách Gia Định thành thông chí, cá Voi có “Đầu tròn, nơi trán có lỗ phun nước, mũi miệng giống như voi, mình trơn láng không có vảy, đuôi có 2 nhánh rẽ như đuôi tôm, tánh hiền lành biết cứu giúp người. Người đánh cá thường kêu réo nhờ nó đuổi các loại cá vào lưới. Gặp thuyền đi biển bị chìm, cá này thường đưa người vào bờ, dân miền biển đều tôn kính, nếu thấy thây cá này trôi dạt, dân chài lưới góp tiền mua vải, sắm hòm tẫn liệm, chôn cất, cử người trùm trưởng trong làng chài đứng làm tang chủ, cất đền thờ phụng”. Trong tâm thức của các làng chài, cá Ông chỉ cứu những người ăn ở hiền đức, có duyên với Ông, là hiện thân của phúc thần linh thiêng, nên xác Ông lụy ở đâu sẽ được rước vào bờ mai táng, nó thể hiện mối quan hệ hai chiều giữa con người với tự nhiên, cũng như triết lý sống hòa hợp, thuận theo tự nhiên của người Việt Nam, văn hóa Việt Nam.
 
Tục thờ cá Ông không chỉ mang đậm tính chất vùng biển, mà còn chứa đựng nhiều giá trị đạo đức quan trọng, thể hiện truyền thống bảo vệ môi trường sinh thái và truyền thống cố kết cộng đồng, tạo ra lễ hội giúp ngư dân tái tạo năng lượng cho ngày lao động mới.
 
- Nhu cầu lễ hội văn hóa
Quảng Ninh có 8/13 đơn vị hành chính cấp huyện được xét thuộc vùng biển đảo (trong đó có Cô Tô). Dọc theo chiều dài bờ biển từ Quảng Yên đến Móng Cái, hằng năm diễn ra rất nhiều lễ hội dân gian truyền thống của cư dân bản địa: Lễ hội Tiên Công, Lễ hội Xuống đồng, Lễ hội Bạch Đằng, các lễ hội làng gắn với tín ngưỡng bản địa ở vùng đảo Hà Nam (Quảng Yên); Lễ hội miếu Đức Ông, Lễ hội đình Giang Võng, Lễ hội đền Bà Men, Lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn (Hạ Long); Lễ hội Đền Cửa Ông (Cẩm Phả); Lễ hội đình Quan Lạn (Vân Đồn); Lễ hội đình Cái Chiên, Lễ hội đền Trần Hưng Đạo (Hải Hà); Lễ hội đình Trà Cổ, Lễ hội đình làng Bầu, Lễ hội đình Vạn Ninh (Móng Cái),... Nếu như ở 7 đơn vị hành chính giáp biển còn lại các lễ hội được tổ chức quy mô, thậm chí có những khu vực tổ chức ở mức độ dày đặc thì ở huyện đảo Cô Tô lễ hội văn hóa hoàn toàn vắng bóng; toàn huyện Cô Tô không có được một lễ hội truyền thống mang tính cố kết cộng đồng.
Điều này một phần có căn nguyên từ quá trình di dân, chuyển đổi (năm 1979) và thành lập huyện đảo sau khi tách ra khỏi TP Cẩm Phả (năm 1994), nhưng cũng cho thấy khoảng trống văn hóa của địa phương. Các lễ hội không chỉ đơn thuần là hoạt động mang tính chất tâm linh mà với việc thu hút số lượng lớn người tham gia, phần hội tạo ra tính tương tác, gia tăng tính cố kết cộng đồng. Điều này tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời cải thiện đời sống văn hóa tinh thần cho người dân. Với các điểm di tích còn tồn tại thể hiện nhu cầu và khát vọng tâm linh của người dân đảo (các điểm chôn cất và miếu thờ Cá Ông, các miếu thờ thần rắn sơn trang...), việc phục hồi và kiến tạo các lễ hội văn hóa có thể được xem xét.
 
Nói tóm lại, văn hóa là một bộ phận của kiến trúc thượng tầng, nó không chỉ chịu tác động của kinh tế là một bộ phận của cơ sở hạ tầng, mà còn chịu sự tác động của các thành tố khác trong kiến trúc thượng tầng, như tư tưởng, tôn giáo, pháp luật. “Sự phát triển của chính trị, pháp luật, tôn giáo, nghệ thuật được xây dựng trên cơ sở kinh tế phát triển. Nhưng tất cả chúng đều tác động lẫn nhau và tác động đến cơ sở kinh tế”. Trong khi văn hóa có thể làm cho kinh tế phát triển bền vững, tạo nên khác biệt trong kinh doanh, hoạt động kinh tế cũng mang lớp áo văn hóa đặc trưng riêng của nó. Văn hóa là nền tảng và động lực để xây dựng và phát triển kinh tế, là trụ cột góp phần đẩy lùi các tiêu cực và tệ nạn xã hội, tạo nên nền tảng tinh thần phát triển bền vững đất nước.
 
Một mô hình phát triển kinh tế biển bền vững không thể chỉ dựa vào các chỉ số kinh tế, mà còn phụ thuộc vào mức độ cải thiện chất lượng cuộc sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân. Vì vậy, giữ gìn, phát huy và kiến tạo nền văn hóa biển sao cho phù hợp, thích nghi với nhu cầu chuyển biến không ngừng theo sự vận động và phát triển của xã hội là mối quan hệ cơ bản cần được giải quyết một cách hài hòa để phát triển bền vững kinh tế biển. Cô Tô được xác định là trung tâm du lịch của tỉnh Quảng Ninh; lĩnh vực du lịch, dịch vụ đang chiếm gần 70% đóng góp GRDP và được xác định là trụ cột để phát triển kinh tế của huyện.
 
Trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045, dưới định hướng phát triển “năng động, toàn diện” của tỉnh Quảng Ninh, Cô Tô đang nỗ lực, phấn đấu thực hiện mục tiêu phát triển gắn với giá trị văn hóa, di sản, gia tăng giá trị cho du lịch, nghỉ dưỡng và xác lập những luận cứ khoa học (khai thác, bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên vị thế) cho việc kiến tạo các hành lang và mô hình phát triển mới, đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, gắn với tiến bộ và công bằng xã hội.

Tin khác