Thêm nhiều sản phẩm, điểm đến
Như nhiều khu du lịch, tuyến biển, đảo ở miền Bắc, thông thường, du lịch Cô Tô bắt đầu đông nhất là vào kỳ nghỉ lễ cuối tháng 4 (30/4 và 1/5), khởi điểm mùa du lịch hè. Cô Tô cũng chuẩn bị nhiều sản phẩm, điểm đến du lịch mới, hút khách tới huyện đảo được coi là thiên đường du lịch biển đảo này.
Chuẩn bị cho mùa du lịch mới 2023, huyện Cô Tô đã khởi động bằng kế hoạch tổ chức một loạt hoạt động quảng bá, kích cầu với 15 sự kiện, hoạt động thể thao - văn hóa hấp dẫn kéo dài từ nay tới cuối năm. Đó là việc hút du khách tới đảo dự Giải Half Marathon qua các thắng cảnh, bãi biển đẹp nhất Cô Tô; Hội thi Ẩm thực, Triển lãm tùng Cô Tô; Lễ kỷ niệm 62 năm Bác Hồ ra thăm đảo…
Hè này khi đến với Cô Tô, du khách sẽ có dịp trải nghiệm du lịch Cô Tô theo một cách khá đặc biệt: Thuyết minh du lịch tự động. Đây là cách làm đón đầu xu hướng du lịch 4.0, được triển khai tại Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô từ đầu tháng 1/2023.
Theo đó, hệ thống trên được trang bị tại 8 điểm, tiêu biểu là: Điểm di tích Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà trưng bày lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Công viên Tùng Cô Tô, Cột cờ chủ quyền Tổ quốc trên đảo Cô Tô...
Cách làm đem lại thêm tiện nghi, trải nghiệm cho du khách và đã thu hút được 6.100 lượt sử dụng tới nay. Dự kiến, thời gian tới, huyện Cô Tô sẽ tiếp tục triển khai hệ thống này trên các xe điện tham quan đảo, cung cấp đầy đủ thông tin cho du khách 15 phút trước khi ghé mỗi điểm đến.
Để hút khách, Cô Tô làm mới du lịch biển đảo, sớm triển khai nhiều sản phẩm du lịch mới, đầy hứa hẹn. Với những bãi biển nước trong xanh, cát trắng trải dài, hè này Cô Tô sẽ có thêm 2 bãi tắm du lịch đẹp khác là: Hồng Vàn và Ba Châu, nâng tổng số bãi tắm du lịch lên con số 3. Hiện các bãi tắm du lịch này đang được triển khai xây dựng, dự kiến hoàn thiện, phê duyệt và đưa vào phục vụ trước ngày 1/4.
Điểm nhấn trong làm mới, tăng sức hút du lịch biển đảo Cô Tô là dự kiến đưa các sản phẩm lặn biển giải trí, ngắm san hô ở Khu bảo tồn biển Cô Tô. Khu vực được lựa chọn dự kiến rộng khoảng 1ha, ở đảo Thanh Lân.
Hiện các hồ sơ thủ tục hoàn thiện, chờ khảo sát lại, phê duyệt của tỉnh. Các doanh nghiệp đang lên phương án khai thác, xây dựng chương trình, tour tuyến. Sản phẩm này được du khách đánh giá cao, coi là sản phẩm thế mạnh, đặc trưng của Cô Tô và cả khu vực Miền Bắc, kỳ vọng sẽ hút khách mạnh mẽ.
Ngoài lặn biển, dự kiến, Cô Tô cũng sẽ đưa sản phẩm cắm trại du lịch cho du khách vào dịp hè này. Đó là không gian rộng 2 - 3ha bãi biển Ba Châu sẽ được dành làm khu bãi cắm trại đêm. Không chỉ vậy, hè này, Cô Tô còn hấp dẫn, đa trải nghiệm với du lịch biển đảo đang được tập trung hình thành như: Tham quan 4 đảo Cô Tô lớn - Thanh Lân - Cô Tô con - Cá Chép; tổ chức các chương trình du lịch tham quan, ngắm bình minh, chụp ảnh tại bãi đá Móng Rồng, chùa Trúc Lâm Cô Tô; tham quan, ngắm hoàng hôn trên biển; xây dựng tuyến phố đi bộ, gắn với đặc trưng ẩm thực biển, các hoạt động văn nghệ sôi động…
Chú trọng môi trường du lịch
Không chỉ tạo sức hấp dẫn cho điểm đến, việc đảm bảo môi trường du lịch cũng được huyện quan tâm. "Ngoài các sản phẩm, chương trình hấp dẫn, địa phương rất quan tâm tới việc chuẩn bị chu đáo, nhằm tổ chức đón tiếp, đảm bảo an toàn, quyền lợi cho du khách khi tới với Cô Tô. Điều này góp phần tạo nên điểm đến hấp dẫn, xây dựng thương hiệu du lịch biển đảo Cô Tô" - ông Đỗ Huy Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Cô Tô, chia sẻ.
Theo đó, các kế hoạch du lịch đã sớm được tham mưu xây dựng, đưa ra từ tháng 1/2023, thay vì tháng 3 như mọi năm. Chuẩn bị tích cực, từ đầu năm, huyện đã lên kế hoạch cho kiểm tra toàn bộ các cơ sở du lịch. Dự kiến trong tháng 3, huyện sẽ phối hợp với Sở Du lịch và các cơ quan chức năng kiểm tra về cơ sở vật chất tối thiểu, vệ sinh an toàn thực phẩm, lao động… đồng thời công khai danh sách cơ sở đủ điều kiện đón khách.
Về đảm bảo môi trường du lịch, huyện Cô Tô đề cao việc xây dựng môi trường du lịch lành mạnh bằng việc thường xuyên kiểm tra, xử lý, quyết liệt với những sai phạm; làm chặt niêm yết giá, các hoạt động lữ hành tránh trường hợp các đơn vị tổ chức tour tự phát...
Năm 2023, huyện cũng kiện toàn đường dây nóng du lịch, niêm yết số điện thoại của người đứng đầu. Theo đó, du khách có thể thông tin, phản ánh trực tiếp từ Bí thư, Chủ tịch cấp xã, qua đó đảm bảo quyền lợi khách hàng, khuyến khích cách làm du lịch chuẩn mực. Năm 2022, huyện đã tổ chức 12 cuộc kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở theo phản ánh của khách du lịch, xử lý nhiều cơ sở với những chế tài mạnh như: xử phạt, đền bù đảm bảo quyền lợi, cam kết không tái phạm…
Bên cạnh đó, huyện Cô Tô còn đẩy mạnh nâng cấp hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch. Huyện dự kiến nâng cấp hệ thống cảng tàu để kết nối với đất liền, kết nối tuyến Cô Tô - Thanh Lân - đảo Trần - Cô Tô con - đảo Cá Chép và các đảo nhỏ gần bờ; huy động mọi nguồn lực nâng cấp hạ tầng, dịch vụ bãi tắm du lịch Vàn Chảy, xây dựng hạ tầng bãi tắm Hồng Vàn, Ba Châu là bãi tắm du lịch đạt chuẩn; nghiên cứu xây dựng các nhà vệ sinh công cộng, các điểm kết nối internet miễn phí, nhất là tại các điểm du lịch...
Một trong các nội dung trọng tâm đó là huyện chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai một số nền tảng hạ tầng số trong phát triển du lịch, như: Ứng dụng Cô Tô smart, đăng tải các thông tin, tiện ích du lịch trên các nền tảng hạ tầng số; số hóa các thông tin du lịch cần thiết (về thời tiết, lịch tàu chạy, giá cả...) vào mã QR để du khách có thể truy cập khi tới đảo; vận động chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ áp dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt...
Được biết, mặc dù chưa đến hè, nhưng du khách tới đảo bắt đầu tăng nhanh. Theo thống kê, trong tháng 2, trung bình lượng khách tới đảo khoảng 200 khách/ngày, dịp cuối tuần đạt khoảng 300-400 lượt/ngày, bằng lượng khách dịp tháng 3 - 4 năm trước. Nhiều khách sạn đã được đặt kín cho dịp du lịch hè 30/4-1/5. Đây là dấu hiệu khả quan của du lịch Cô Tô trong mùa du lịch hè 2023.