Ngày hội trên đảo
Gần 9 giờ sáng, chiếc tàu chuyên dụng của Bộ đội Biên phòng chở đoàn công tác của Chủ tịch nước mới cập cảng, nhưng từ sáng sớm, nhiều người đã đến khu vực cầu cảng để chờ đón Chủ tịch nước. Người dân thị trấn Cô Tô dường như cũng dậy sớm hơn thường lệ, vì được đón Chủ tịch nước tới thăm là niềm vinh dự lớn.
|
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trò chuyện, động viên ngư dân trên đảo.
|
Tàu chưa cập cảng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các thành viên đoàn công tác đã tiến ra boong tàu, tươi cười vẫy tay chào cán bộ, quân và dân đang hàng ngũ chỉnh tề chờ đón trên bờ. Sau khi tươi cười bắt tay đáp lại tình cảm nồng hậu từ đại diện cấp ủy, chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể, người dân, trong đó có nhiều cháu học sinh tay cầm cờ đỏ sao vàng vẫy chào tại cầu cảng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã chủ trì lễ thượng cờ và dâng hoa, dâng hương tưởng niệm tại Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô; ghi sổ vàng, trồng cây lưu niệm tại khu di tích. Nơi đây, hơn 62 năm trước, Bác Hồ đã đến trò chuyện, thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ, người dân Cô Tô và Người căn dặn, động viên nhân dân hăng say lao động sản xuất, đẩy mạnh nghề cá, nuôi dưỡng và bảo vệ các loài hải sản quý, trồng nhiều cây ăn quả và cây lấy gỗ; khuyên các cháu học sinh chăm ngoan, học tập tốt... Quân và dân trên đảo mãi khắc ghi tình cảm, lời căn dặn của Người: “Thủ đô Hà Nội tuy xa các đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào các đảo đoàn kết, cố gắng và tiến bộ”...
Thực hiện xong các nghi lễ trang trọng, linh thiêng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng các thành viên đoàn công tác đã đến khu neo đậu, tránh trú bão nằm ở góc cuối của huyện đảo gặp gỡ, thăm hỏi, tặng quà và trao cờ Tổ quốc tặng ngư dân huyện Cô Tô. Nhận những món quà ý nghĩa và lá cờ Tổ quốc thiêng liêng, bà con ngư dân trên đảo rất vui mừng, xúc động. Sau khi bắt tay từng người, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trò chuyện, hỏi thăm tình hình đánh bắt cá của ngư dân; tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con sống bằng nghề đi biển; động viên ngư dân tuân thủ quy định về đánh bắt hải sản, tích cực bám biển, vươn khơi, làm giàu cho gia đình và đất nước...
Tình cảm đặc biệt với Quân đội
Điều nhiều người cảm nhận được là đến địa phương nào, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng luôn quan tâm, dành cho lực lượng vũ trang trên địa bàn tình cảm đặc biệt. Ra đảo Cô Tô cũng vậy. Khi đến thăm cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn đảo Cô Tô (Lữ đoàn 242, Quân khu 3), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã chăm chú quan sát thế bố trí, điều kiện địa hình, cảnh quan doanh trại; trực tiếp đến kiểm tra khu bếp ăn của đơn vị, từng khẩu phần ăn của bộ đội. Nghe chỉ huy đơn vị báo cáo khái quát tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng biểu dương cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn đã duy trì nghiêm túc nền nếp, chế độ sẵn sàng chiến đấu; phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng có liên quan bảo đảm tốt tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, thường xuyên theo dõi nắm chắc tình hình, xử trí chính xác, kịp thời các tình huống, không để bị bất ngờ. Đồng thời, Chủ tịch nước bày tỏ phấn khởi khi được biết, đơn vị thực hiện tốt công tác dân vận, tích cực tham gia các hoạt động do địa phương phát động, góp phần xây dựng địa bàn vững mạnh, huyện đảo Cô Tô ngày càng văn minh, giàu đẹp, phát triển.
Vào thăm khu nhà ở, nhà ăn của bộ đội, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chia sẻ với những khó khăn, thiếu thốn của bộ đội trên đảo; căn dặn cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn giữ vững phẩm chất, bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ, nêu cao tinh thần nỗ lực khắc phục khó khăn, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống. Đồng thời, Chủ tịch nước lưu ý đại diện các cơ quan, đơn vị tham gia đoàn công tác cần quan tâm hơn nữa, tích cực đầu tư phương tiện, trang bị, nâng cao khả năng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn của Tiểu đoàn đảo Cô Tô nói riêng, lực lượng vũ trang trên đảo nói chung; không ngừng chăm lo, bảo đảm tốt đời sống, giúp cán bộ, chiến sĩ các đơn vị trên đảo yên tâm công tác...
Để Cô Tô ngày càng giàu đẹp, văn minh
Sau khi tham quan một vòng quanh đảo, trò chuyện, động viên, tặng quà một số đơn vị, người dân, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có buổi làm việc với Huyện ủy, UBND huyện Cô Tô. Từng ra thăm Cô Tô nên đồng chí Võ Văn Thưởng nắm rõ đặc điểm về mảnh đất, con người, lợi thế và cả những tiềm năng của “đảo ngọc” còn chưa được khai thác hết. Trở lại Cô Tô lần này, Chủ tịch nước phấn khởi khi được biết, từ một huyện đảo nghèo, kinh tế chậm phát triển, thiếu thốn mọi bề, đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện luôn duy trì ở mức cao, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng lên, cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch mạnh mẽ sang ngành dịch vụ, du lịch. Toàn huyện hiện không còn hộ nghèo; 100% trường học đạt chuẩn quốc gia; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, không có ma túy, trộm cắp. Cô Tô đã có điện lưới, nước ngọt phục vụ sinh hoạt, hệ thống tàu khách, tàu vận tải kết nối từ đất liền ra đảo hằng ngày. Đặc biệt, năm 2015, Cô Tô trở thành huyện đảo nông thôn mới đầu tiên trong cả nước và đến nay cơ bản đạt huyện nông thôn mới nâng cao theo bộ tiêu chí mới. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của toàn huyện ước đạt 130 triệu đồng/người. Mỗi năm, Cô Tô đón bình quân trên 300 nghìn khách du lịch với thời gian lưu trú trung bình 2 ngày/người...
Phát biểu với lãnh đạo và cán bộ các ban, ngành, đoàn thể trong huyện, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ghi nhận, biểu dương những thành tựu mà huyện đạt được, nhấn mạnh vị trí địa chiến lược đặc biệt quan trọng cùng những tiềm năng, lợi thế rất lớn của địa phương mà ít nơi có được. Trước những lợi thế ấy, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng yêu cầu quân và dân trên đảo phát huy tinh thần đoàn kết, nhận thức rõ về vị trí, tầm quan trọng của huyện đảo để hoàn thành tốt vai trò là phên giậu, điểm tựa phòng thủ cho đất liền. Đồng thời, huyện cần phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế đặc trưng của địa phương; nghiên cứu tổ chức phương án đánh bắt, nuôi trồng hải sản theo hướng bền vững, hiệu quả; khai thác tốt lợi thế địa hình để phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá; nghiên cứu đầu tư thêm âu tàu giúp ngư dân tránh, trú bão, bảo đảm an toàn, yên tâm bám biển, làm giàu từ biển.
Cùng với tập trung khai thác, phát triển kinh tế biển, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng lưu ý, huyện Cô Tô cần đặc biệt coi trọng công tác bảo vệ môi trường biển, vừa giữ vững chất lượng cuộc sống, sinh hoạt tại chỗ của người dân, vừa tạo cơ sở để thu hút, giữ chân khách du lịch. Bên cạnh đó, cần chú trọng đầu tư mạnh mẽ cho công tác giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ cả trước mắt và lâu dài, coi đây là nền tảng để phát triển địa phương trong thời gian tới. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chân tình chia sẻ: “Tôi mong rằng, mỗi lần trở lại Cô Tô lại được chứng kiến thành tựu vượt bậc của cán bộ, chính quyền, quân và dân trên đảo”...
Đoàn công tác của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng rời đảo lên tàu về đất liền khi mặt trời lên đến đỉnh đầu. Dù là giờ nghỉ trưa nhưng dọc đường ra cầu cảng, nhiều người dân vẫn ra trước cửa để vẫy chào tạm biệt đồng chí Chủ tịch nước kính mến và đoàn công tác. Chứng kiến những tình cảm ấm áp, chân tình, đầy lạc quan, phấn khởi ấy, ai cũng vui và thêm tin tưởng vào sự đoàn kết, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trên đảo, tin rằng huyện đảo Cô Tô sẽ tiếp tục phát triển văn minh, giàu đẹp, vững bền.
VĂN CHIỂN